Nguyễn Văn Cừ - Người Cộng sản lỗi lạc – Nhà lý luận sáng tạo – Tổng Bí thư xuất sắc của Đảng cách mạng Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một người cộng sản lỗi lạc, nhà lý luận sáng tạo, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, đồng chí đã có nhiều cống hiến to lớn trong tiến trình đấu tranh giải phóng của dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tấm gương sáng chói về đạo đức và chí khí cách mạng.
Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo ở một vùng quê giàu truyền thống văn hoá cách mạng, thuộc làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (trước đây là tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn), là hậu duệ đời thứ 17 của đại thi hào - danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi. Từ thưở nhỏ, Nguyễn Văn Cừ đã nổi tiếng là thần đồng ham học, hay chữ, có chí kế thừa tinh thần yêu nước của cha ông. Sớm giác ngộ cách mạng, mới 17 tuổi đời, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp, hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trên cương vị người lãnh đạo chủ chốt của Xứ uỷ Bắc Kỳ, rồi Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã lăn lộn trong phong trào quần chúng, từ Nam ra Bắc, vượt qua sự truy lùng gắt gao của kẻ thù để có mặt ở những nơi sóng gió, chỉ đạo sát sao các cuộc đấu tranh, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, đưa phong trào cách mạng phát triển đúng hướng. Nhiều lần bị sa vào tay giặc, trải qua biết bao đòn roi tra tấn dã man của địch, đồng chí vẫn giữ vững khí phách của người cộng sản kiên trung. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trở thành một nhà lý luận mácxít sáng tạo của Đảng, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam.
Đầu năm 1931, trên đường đi công tác, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, bọn mật thám đã dùng đủ cực hình tra tấn dã man, nhưng chúng không khuất phục được ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản tận trung với Đảng. Thời gian ở trong tù, mặc dù bị đày ải, tra tấn, Nguyễn Văn Cừ vẫn tranh thủ thời gian học hỏi, thực hiện khẩu hiệu “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” để rèn luyện nghị lực và nâng cao trình độ bản thân. Là một người ham học hỏi, Nguyễn Văn Cừ vượt qua mọi cửa ải gian lao, hà khắc và đòn roi của nhà tù đế quốc để học tập. Đồng chí trực tiếp nghiên cứu, nghiền ngẫm những tác phẩm kinh điển của Mác, Ăngghen, Lênin… do đó đồng chí ít bị ảnh hưởng bởi sự truyền thụ cắt xén chủ quan, phát huy được tính độc lập suy nghĩ, tự do tranh luận để tìm chân lý. Trong thời gian gần 6 năm ở Côn Đảo, Nguyễn Văn Cừ có điều kiện nghiên cứu, soi xét kinh nghiệm hoạt động thực tiễn để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận. Do đó, đến khi ra tù, đồng chí đã trưởng thành về mọi mặt và trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng: Xứ uỷ viên Bắc Kỳ (đầu năm 1937), Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (9-1937), Tổng Bí thư của Đảng (3-1938), khi đó Nguyễn Văn Cừ chưa đầy 26 tuổi.
Với việc tham gia móc nối liên lạc, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng ở Bắc Kỳ, thành lập Xứ ủy lâm thời, chỉ đạo thành lập Liên Xứ ủy Bắc – Trung Kỳ, Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp lớn vào việc khôi phục lại hoạt động của Đảng, nhưng quan trọng hơn, chính đồng chí là người đưa ra sáng kiến thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất, tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng trên những hình thức mới. Điều đó làm cho phong trào cách mạng dưới sự chỉ đạo của Đảng đã có bước phát triển nhảy vọt, đồng thời hướng sự chỉ đạo của Đảng tới thống nhất, chặt chẽ cả về chủ trương và tổ chức thực hiện.
Giai đoạn 1936 - 1939, trong Đảng ta đã xuất hiện một thế hệ cán bộ lãnh đạo mới, Nguyễn Văn Cừ là người tiêu biểu cho thế hệ cán bộ rèn luyện và trưởng thành trong lò lửa đấu tranh cách mạng và trong nhà tù của đế quốc. Các Tổng Bí thư tiền nhiệm như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập đều được đào tạo và huấn luyện ở nước ngoài, còn Nguyễn Văn Cừ được Hội nghị Trung ương lần thứ năm (3-1938) bầu làm Tổng Bí thư - một người còn rất trẻ, “từ xưa tới nay chưa hề xuất dương”. Có thể coi đây là một hiện tượng đặc biệt và Nguyễn Văn Cừ đã tỏ ra rất xứng đáng với trọng trách của mình, đồng chí đã toả sáng trên nhiều lĩnh vực, trước hết là cương vị Tổng Bí thư. Sự toả sáng về trí tuệ, về tư duy lý luận của người Tổng Bí thư trẻ tuổi ấy đã có đóng góp lớn cho cách mạng Việt Nam. Với cương vị là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, mặc dù chỉ trong khoảng thời gian hai năm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng ta đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ (1936 - 1939) sục sôi trong cả nước, tạo ra cục diện phát triển mới của cách mạng Việt Nam, tiền đề dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trên phương diện đấu tranh củng cố nội bộ, “Tự chỉ trích” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tác phẩm lý luận lớn về tinh thần phê bình và tự phê bình trong Đảng, một đóng góp rất quan trọng vào công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tác phẩm ra đời là sự đáp ứng kịp thời yêu cầu của một tình hình phức tạp, khi Đảng vừa hoạt động bí mật, vừa hoạt động công khai; vừa thi hành một sách lược mềm dẻo nhằm lôi kéo các tầng lớp nhân dân trong một mặt trận dân tộc, dân chủ rộng rãi, vừa phải giữ vững những nguyên tắc cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin; vừa chống “tả”, vừa chống “hữu”, nhằm đi tới sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. “Tự chỉ trích” thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một lãnh tụ già dặn; vừa tranh luận, vừa thuyết minh một cách sáng tỏ đường lối, chính sách của Đảng - những khía cạnh tinh tế giữa cái tạm thời và cái lâu dài, giữa chiến lược và sách lược, qua đó làm sáng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng ta, đánh tan mọi mơ hồ, lẫn lộn. Tác phẩm “Tự chỉ trích” cùng với những cống hiến lý luận khác của Nguyễn Văn Cừ phản ánh sự sáng suốt của một trí tuệ lỗi lạc, trí tuệ đó là kết quả tổng hợp của sự vững vàng, kiên định lập trường, quan điểm và những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với một năng lực vận dụng phương pháp biện chứng mácxít để nắm bắt chính xác thực tế cùng những diễn biến của nó - cái đã qua, cái đang tới để tư duy và đề xuất chủ trương, chính sách.
Có thể nói, trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng ta đã kịp thời vạch ra sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng trong thời kỳ cách mạng mới: thời kỳ đẩy mạnh đấu tranh giải phóng dân tộc. Đáng tiếc, sau Hội nghị không lâu, Nghị quyết đang được triển khai thì đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác của Trung ương Đảng không may sa vào tay giặc. Ngày 28/8/1941, tại trường bắn Ngã Ba Giồng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (Sài Gòn), đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã anh dũng hy sinh trước mũi súng của quân thù. Tuy nhiên, những nhận định sáng suốt, những chủ trương nhạy bén và sáng tạo do Hội nghị vạch ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã được các hội nghị Trung ương tiếp theo, nhất là Hội nghị Trung ương lần thứ VIII kế thừa, bổ sung và phát triển lên một bước mới, đưa tới thắng lợi lịch sử của Tổng khởi nghĩa tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ và bao vị lãnh đạo cách mạng khác đã ngã xuổng chưa kịp chứng kiến thắng lợi của cách mạng theo con đưòng các đồng chí vạch ra, nhưng lịch sử sẽ đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các đồng chí đã cống hiến cho Tổ quốc và cách mạng.
Ra đi khi mới 29 tuổi đời, 11 năm tuổi Đảng, trong đó có hai năm làm Tổng Bí thư, đồng chí đã để lại cho Đảng và nhân dân ta một tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập: Đó là tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp vô sản, với một ý chí, một niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Trải qua biết bao trận đòn roi, tra tấn của địch, mặc dù thể trạng không được khoẻ, bệnh sốt rét biến chứng ngày càng nặng, Nguyễn Văn Cừ vẫn hiên ngang tỏ rõ khí tiết của người cộng sản… Thứ hai, đó là tấm gương say mê dùi mài lý luận cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn của hoàn cảnh tù đày trong tình thế hoạt động bí mật, đồng chí đã trở thành một nhà lý luận mácxít sáng tạo của Đảng, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, giải quyết một cách sáng tỏ những vấn đề chiến lược và sách lược đặt ra cho cách mạng nước ta lúc bấy giờ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu do Nguyễn Văn Cừ chủ trì khởi thảo, là một văn kiện lý luận cực kỳ quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành về tư duy lý luận của Đảng ta, khắc phục được những nhược điểm giáo điều, “tả” khuynh khó tránh khỏi ở thời kỳ đầu còn non trẻ. Thứ ba, đó là tấm gương của một người cộng sản ưu tú, có đạo đức cách mạng trong sáng, một con người chân thành, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống, có tác phong chan hoà, gần gũi với mọi ngươi, có khả năng tập hợp, đoàn kết, được quần chúng mến yêu và đồng chí cảm phục.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một hình tượng cao đẹp về người cộng sản Việt Nam, nhà lý luận sáng tạo, Tổng Bí thư xuất sắc và mãi mãi là niềm tự hào vô hạn của Đảng ta và dân tộc ta.
Đinh Nhài