Đồng chí Võ Văn Tần là chiến sĩ cách mạng thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, một người cộng sản kiên trung, sáng ngời lý tưởng và đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân, có tác phong làm việc khoa học, sâu sát, bám sát thực tiễn, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng và thương yêu đồng chí hết mình.
Đồng chí Võ Văn Tần sinh năm 1891, tại làng Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước. Vì căm ghét cảnh bóc lột và ức hiếp dân làng của địa chủ và quan lại, ông rời quê hương lên Sài Gòn – Chợ Lớn làm nghề kéo xe, sau đó ông trở về quê làm biện làng để kiếm sống, rồi lại trở lại Sài Gòn – Chợ Lớn. Trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, nhiều lần di dời nơi cư trú, ông hiểu được nỗi khổ nhục của người dân mất nước. Ý chí của ông lúc này chỉ muốn đấu tranh giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân trước gọng cùm của kẻ bán nước và cướp nước.
Năm 1926, Võ Văn Tần tham gia “Hội kín” của Võ An Ninh và trở thành thành viên cốt cán của hội. Hòa mình vào phòng trào yêu nước, là người có học, đồng chí Võ Văn Tần đã sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của thời đại. Nhận thấy những mặt hạn chế của “Hội kín”, ông cùng một số hội viên tích cực khác gia nhập vào “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”, chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản. Khi Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị phân liệt, ông tham gia vào “Hội An Nam Cộng sản Đảng” và lập ra chi bộ làng “Đức Hòa” do ông làm bí thư.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, theo sự chỉ đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần triệu tập hội nghị, quyết định chuyển chi bộ An Nam Cộng sản Đảng làng Đức Hòa thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó đồng chí còn chủ động lập ra đảng bộ đầu tiên của quận Đức Hòa và được bầu làm Bí thư. Vào ngày 4-6-1930, để phối hợp với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và biểu dương lực lượng quần chúng nhân dân, Liên tỉnh ủy chủ trương phát động cuộc đấu tranh của nông dân trên quy mô liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn. Nhiều cuộc biểu tình đồng loạt nổ ra ở Hóc Môn, Bà Hom và Đức Hoà. Tại Đức Hoà quần chúng nhân dân tham gia biểu tình theo ba hướng, tạo thành ba cánh tiến về quận lỵ. Đồng chí Võ Văn Tần được phân công phụ trách cánh từ Bầu Trai đi xuống. Khi đoàn biểu tình kéo về quận lỵ thì địch đàn áp, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo quần chúng chống trả quyết liệt. Sau cuộc biểu tình, tại Đức Hoà, địch tăng cường đàn áp, khủng bố. Không bắt được Võ Văn Tần chúng đã kết án tử hình vắng mặt đồng chí.
Tháng 6 năm 1931, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, tiếp đó năm 1932 ông làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Ông chú trọng tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng, củng cố phát triển cơ sở và cho ra tờ báo “Lao Động” để tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân. Năm 1937, Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ sau đó được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Tỉnh ủy Gia Định, Bí thư Xứ ủy Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng cả nước nói chung, Nam Kỳ nói riêng. Đồng chí đã có công lớn trong việc xây dựng và khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng từ cơ sở đến cấp tỉnh ở hai tỉnh Chợ Lớn, Gia Định, chỉ đạo phong trào Đông Dương Đại hội, thống nhất tư tưởng và hành động của các nhóm cộng sản ở Nam Kỳ trong thời kỳ vận động và dân chủ. Với kinh nghiệm hoạt động linh hoạt, sáng tạo, sâu sát quần chúng, Võ Văn Tần đã giúp cho Đảng ta hình thành nên các tổ chức và đấu tranh thích hợp trong quá trình lãnh đạo phong trào đấu tranh của những năm chuẩn bị tiến tới cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939 – 1945. Đồng chí không chỉ hoàn thành công tác chuẩn bị, mà còn có nhiều đóng góp quan trọng về định hướng lý luận cho thành công của các hội nghị Trung ương Đảng, đặc biệt tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 11-1939, đã quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề cho thắng lợi của Cách Mạng Tháng Tám 1945.
Giữa lúc phong trào cách mạng đang ở giai đoạn đầy khó khăn, do chính sách khủng bố trắng của thực dân Pháp, đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt trong lúc đang họp tại nhà chị Nà, một cơ sở của Đảng ở xã Tân Thới Trung (Hóc Môn). Biết Võ Văn Tần là một cán bộ cao cấp của Đảng, địch đưa về giam ở bốt Catina. Bọn mật thám đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn, hòng tìm những cơ sở đảng nhưng đều thất bại. Sau gần một năm giam giữ, bằng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn dã man làm cho đồng chí chết đi sống lại nhiều lần bọn địch không khai thác được gì ở đồng chí. Không thể khuất phục được người cộng sản kiên cường, thực dân Pháp đưa Võ Văn Tần ra toà án binh, lấy cớ “chịu trách nhiệm về mặt tinh thần cuộc rối loạn ở Nam Kỳ” năm 1940 và để kết án tử hình đồng chí.
Trước khi ra pháp trường, đồng chí đã để lại di bút bất hủ trên xà lim nơi kẻ thù giam giữ: “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng…”.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Tần là một tấm gương sáng ngời về ý chí cách mạng, về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng, với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của người chiến sĩ cách mạng kiên cường Võ Văn Tần, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã lấy tên Ông đặt cho nhiều con đường, nhiều trường học trong cả nước. Thế hệ trẻ ngày này luôn tưởng nhớ đến công lao to lớn của người chiến sĩ cách mạng anh hùng, kiên trung, bất khuất – Võ Văn Tần để học hỏi, rèn luyện, bồi đắp, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như ước nguyện của thế hệ cha ông.
Đào Thanh