Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, suốt cuộc đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân và vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Đồng chí Võ Chí Công tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912, tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam.
Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, Võ Chí Công đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước ở cơ sở những năm 1930-1931. Tháng 5/1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt nam ngày nay) và chỉ ít lâu sau đồng chí trở thành người lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Đảng ở phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Sau khi Chính phủ Mặt trận Bình dân bị lật đổ, chính quyền thực dân Pháp đàn áp mạnh mẽ các phong trào dân chủ ở thuộc địa. Nhiều đảng viên cộng sản bị bắt và cơ sở tan vỡ. Bản thân đồng chí cũng bị truy lùng, phải giả làm người bán thuốc lá dạo vừa để lẩn trốn, vừa giữ gìn và xây dựng lại cơ sở. Đầu năm 1939, đồng chí được cử làm Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ. Từ năm 1940, đồng chí trực tiếp đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, một địa bàn địch thường xuyên khủng bố, đánh phá ác liệt, nhưng với tinh thần không quản hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí thường xuyên đi sâu và giám sát cơ sở để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng.
Tháng 10/1943, đồng chí bị mật thám Pháp bắt và bị kết án chung thân, sau giảm xuống 25 năm tù và đưa đi đày tại Buôn Ma Thuột. Trong nhà tù đế quốc, đối mặt với kẻ thù, luôn cận kề với cái chết, nhưng đồng chí vẫn nêu cao khí tiết của người cộng sản, giữ vững tinh thần chiến đấu, tôi luyện ý chí cách mạng, tham gia đấu tranh chống lại chế độ giam cầm hà khắc của địch.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), đồng chí được trả tự do trở về quê nhà và tham gia Ủy ban khởi nghĩa, lãnh đạo chính quyền giành chính quyền nhanh gọn ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí được cử làm Trưởng Ty Tư pháp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, đồng chí được cử làm Chính trị viên Trung đoàn 93. Đầu năm 1946, đồng chí làm Phó ban Tổ chức cán bộ và Thanh tra Quân khu 5.
Năm 1951, đồng chí làm Bí thư Ban Cán sự Đông Bắc Miên, Khu ủy viên Liên khu 5. Tháng 3/1952, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ ba.Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Võ Chí Công đặc biệt chú trọng đến việc lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương và đẩy mạnh công tác bố phòng. Tháng 5/1952, Liên khu 5 mỏ chiến dịch hè, lấy Quảng Nam làm chiến trường trọng điểm để đánh bại kế hoạch chiêu an của địch, khôi phục và mở rộng vùng du kích. Đây là đề xuất của Quảng Nam, trong đó có vai trò quan trọng của đồng chí Võ Chí Công. Trong trận đói ở Quảng Nam vào giữa năm 1952, đồng chí Võ Chí Công đã đề ra hàng loạt biện pháp cấp bách như xuất kho dự trữ của tỉnh, kêu gọi sự hỗ trợ của Liên khu để khắc phục nạn đói trước mắt, tổ chức cuộc vận động với khẩu hiệu “vùng đói ít nhịn tiêu, bớt ăn giúp vùng đói nặng”, bộ đội thực hiện nhịn ăn một bữa trong tuần để giúp nhân dân; phân công cán bộ tỉnh về tận nơi để đôn đốc việc cứu đói.
Đầu năm 1954, đồng chí dẫn một đoàn cán bộ lãnh đạo Liên khu 5 ra miền Bắc học tập kinh nghiệm về cải cách ruộng đất, sau đó được phân công làm Đoàn ủy viên cải cách ruộng đất ở Việt Bắc. Đồng chí là một trong những người đã phát hiện và báo cáo vối Trung ương về những sai lầm gây mất đoàn kết ở nông thôn, đồng thời chủ trương không thực hiện cải cách ruộng đất mà chỉ thực hiện giảm tô, hiến ruộng đất nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tập trung tất cả lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1957, đồng chí ra Bắc và là một trong những người ủng hộ chủ trương chuyển hướng đấu tranh và tham gia giúp Đảng xây dựng Nghị quyết 15. Mùa hè năm 1959, sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, trở lại Liên khu 5 giữ chức Bí thư Liên khu ủy, đồng chí Võ Chí Công đã cùng tập thể cấp ủy chỉ đạo phong trào nổi dậy của quần chúng diệt ác phá kìm, xóa bỏ ngụy quyền địch, lập chính quyền tự quản của nhân dân. Được quần chúng hưởng ứng, phong trào phát triển mạnh mẽ và quyết liệt diễn ra ở nhiều nơi, nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi cuối tháng 8-1959 đã làm thay đổi tình hình và giải quyết tư tưởng, tạo niềm tin vào sự chỉ đạo của cấp trên.
Đặc biệt, vào những tháng ngày cuối cùng quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau chiến thắng vang dội của quân và dân ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975), đồng chí Võ Chí Công khi ấy với cương vị là Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5 đã nghiên cứu chiến trường và sớm có nhận định địch sẽ rút khỏi Tây Nguyên, cộng với tình hình thắng lợi của ta ở Mặt trận Quảng Trị - Huế, toàn quân địch khắp nơi chạy về co cụm tại căn cứ quân sự khổng lồ ở Đà Nẵng để củng cố lực lượng. Trước tình hình đó, đồng chí đã chỉ đạo tiến công giải phóng Đà Nẵng và giành được thắng lợi toàn toàn.
Chín năm chống Pháp, 21 năm chống Mỹ, đồng chí Võ Chí Công đã đi suốt cùng hành trình vượt qua phong ba bão táp của dân tộc. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam nói chung, Khu 5 nói riêng, đồng chí Võ Chí Công đã có những đóng góp quan trọng, tài năng, trí tuệ của đồng chí luôn phát sáng rực rỡ trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến, lãnh đạo quân và dân khu 5 đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, cùng nhân dân cả nước thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ và khát vọng của dân tộc: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi miền nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Võ Chí Công được điều về Trung ương để cùng gánh vác trách nhiệm tái thiết, xây dựng lại đất nước. Từ cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp kiêm Trưởng ban cải tạo nông nghiệp miền Nam, Thường trực Ban Bí thư; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Chủ tịch Hội đồng Nhà nưóc, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và Chủ tịch ủy ban sửa đổi Hiến pháp, ở bất cứ cương vị nào,ông đều hết lòng hết sức phục vụ sự nghiệp chung, xem sự nghiệp cách mạng là lẽ sống của mình. Những đề xuất, chỉ đạo của ông trong thời gian này đã góp phần đưa đất nước vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn, từng bước đi lên trên con đường đổi mới. Với những đóng góp to lớn của ông trong giai đoạn này đã chứng tỏ đồng chí Võ Chí Công là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, là con người của thực tiễn, là người luôn xuất hiện đúng lúc thực tiễn lịch sử có yêu cầu.
Nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công là dịp để chúng ta tưởng nhớ và tôn vinh sự đóng góp của ông với cách mạng, với dân tộc, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của nhân tân ta. Với 99 tuổi đời, 76 tuổi Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã phấn đấu trọn đời mình đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Nguyễn Thìn