Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Bảy, 01/10/2016, 09:50

Kỷ niệm 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876 – 1/10/2016):

HUỲNH THÚC KHÁNG CON NGƯỜI TƯ TƯỞNG

 

          Huỳnh Thúc Kháng tên cũ Huỳnh Hanh, tự Đới Sanh, hiệu Mính Viên. Sinh năm 1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay thuộc thôn I, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Cụ là một trong số những sĩ phu yêu nước hoạt động từ đầu thế kỷ XX cho đến sau ngày chế độ Dân chủ nhân dân thành lập. Cụ đã trải qua nhiều chặng đường đấu tranh gian khổ, từ là một ông Nghè nho học tham gia phong trào Duy tân, bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo (1908-1921), sau khi được trả lại tự do, lại tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi dân tộc, dân chủ trong cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (1926-1928), rồi làm nhà báo, nhà học giả đấu tranh công khai trên báo chí, trước thuật... và cuối cùng đã đứng vững trong hàng ngũ cách mạng kháng chiến (1946-1947), có nhiều đóng góp tích cực, được Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đánh giá rất cao.

          Xuất thân trong một gia đình Nho học nghèo gốc nông dân của đất Quảng Nam giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, Huỳnh Thúc Kháng nhờ tiếp thu được những ảnh hưởng tốt của quê hương, lại là một người thông minh, chịu khó, nên sớm đỗ đạt. Năm 1900, Cụ đỗ đầu kỳ thị Hương (giải nguyên), năm 1904 đỗ đầu kỳ thi Hội (hội nguyên), Huỳnh Thúc Kháng nổi tiếng là một trong tứ hổ của đất Quảng.

          Học giỏi, đỗ cao, danh tiếng lừng lẫy, nhưng Huỳnh Thúc Kháng không chịu ra làm quan với triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Cụ kết bạn với những người cũng đỗ đạt cao và cùng chí hướng với mình như Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp... Sớm nhận thức được cái nhục mất nước, dân ta phải sống cảnh lầm than nô lệ, các cụ phải tìm đường cứu nước cứu dân! Nhưng trước thế thắng của kẻ thù, các cụ cảm thấy bất lực nếu đi lại con đường "bạo lực".

          Trong quá trình tìm đường cứu nước, các cụ có dịp dừng lại ở đất đế đô, từng được đọc các bản điều trần cải cách của Nguyễn Lộ Trạch như Thời vụ sách, Thiên hạ đại thế luận... gửi cho triều đình Huế; lại được đọc tân thư, tân văn của Khang, Lương từ Trung Quốc lọt vào nước ta qua một số Hoa kiều và nhà buôn, nên tư tưởng yêu nước của các cụ được thêm nguồn ảnh hưởng đó tiếp sức cho. Sau khi gặp Phan Bội Châu trao đổi kế hoạch cứu nước, tư tưởng yêu nước của cụ Huỳnh càng được gợi mở và phát triển. Huỳnh Thúc Kháng và một số sĩ phu khác lại tiếp tục vận động, phát khởi phong trào Duy tân theo hướng cải cách ôn hòa. Huỳnh Thúc Kháng không phản đối đường lối "bạo động", "xuất dương cầu ngoại viện" của Phan Bội Châu, cũng không hoàn toàn tin theo đường lối "bất bạo động" và "bất vọng ngoại" của Phan Chu Trinh.

          Trong giai đoạn này, tư tưởng yêu nước "ôn hòa" của Huỳnh Thúc Kháng thể hiện ở mấy sự kiện như: cổ động cho phong trào tân học, đả phá tệ khoa cử, kêu gọi các thương gia, thân hào ở các tỉnh miền Trung lập các hội thương, hội công, hội nông... nhằm góp phn "canh tân" đất nước theo con đường của các nước tiên tiến.

          Sau ngày thi đỗ Tiến sĩ và không chịu ra làm quan, "bộ ba" Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng lên đường "Nam du" để tìm hiểu tình hình. Gặp kỳ thi ở tỉnh Bình Định, các cụ đội chung một cái tên giả Đào Mộng Giác để làm bài thơ Chí thành thông thánh và bài phú Dành ngọc lương sơn. Trong hai bài này, các cụ chỉ cốt kêu gọi sĩ tử đả phá tệ khoa cử, giáo dục hủ lậu, xây dựng một nền giáo dục mới.

          Thành công bước đầu này làm cho Cụ phấn khởi tin tưởng ở đường lối cứu nước của mình. Nhưng đối với thực dân Pháp và bè lũ tay sai thì lại thấy đó là một cái gai trước mắt, chúng quyết không để cho phong trào phát triển, sẽ có ngày nguy hại cho chúng. Kẻ thù đã không ngần ngại kết tội Huỳnh Thúc Kháng là "thông đồng với người bội quốc (chỉ Phan Bội Châu), xướng thuyết dân quyền cùng các cuộc khai thương lập học, kết án xử tử phát Côn Lôn, ngộ xá bất nguyên". Nhân đó, cụ Huỳnh bị đày ra Côn Đảo và ở tù suốt 13 năm, chịu đựng đủ mọi hình thức tra khảo, gông xiềng, nhục hình, cm cố... Nhưng thực dân Pháp đã không khuất phục nổi ý chí kiên cường của nhà yêu nước, bởi "địa ngục trần gian" này chỉ góp phần rèn dũa người chiến sĩ thêm già dặn cứng cáp, đặng rồi đây ra tù sẽ lại một phen quyết đấu với kẻ thù.

          Thời gian ở tù, ngoài việc rèn luyện ý chí một cách thiết thực, cụ Huỳnh cũng làm khá nhiều thơ để tự động viên và góp phn động viên mọi người. Cụ còn tranh thủ thời gian và điều kiện hết sức hạn chế để tự học tiếng Pháp đến mức sử dụng thành thạo. Nhờ vốn ngoại ngữ này mà Cụ có thể tìm hiểu nền văn hóa và lịch sử của nước Pháp.

          Năm 1921, Huỳnh Thúc Kháng ra tù. Từ đó đến tháng 8 năm 1945, tình hình thế giới và tình hình nước ta trải qua nhiều biến chuyển mạnh mẽ và phức tạp. Trong giai đoạn gần 20 năm biến chuyển ấy, tư tưởng của cụ Huỳnh đã phải trải qua những bước thử thách gian khổ với những mốc lịch sử sau đây:

          Năm 1923, sau khi cụ Huỳnh ra tù được ít lâu, thực dân Pháp dùng "chính sách ve vãn thuộc địa" mời Cụ ra cộng tác với chúng. Chúng cũng tưởng là sau 13 năm tù đàỵ, Cụ đã bị nhụt chí, nay có thể lợi dụng uy tín cũ của Cụ để mê hoặc dân ta. Đối với bọn thống trị, cụ Huỳnh vẫn giữ thái độ bất hợp tác.

          Cuối năm 1925, thực dân Pháp bày trò cải tổ Hội đồng tư phỏng một tổ chức bù nhìn đặt bên cạnh triều đình Huế thành Viện Nhân dân đại biểu mà các nghị viên sẽ do "đại biểu của nhân dân" bầu ra để thay mặt cho nhân dân. Vốn có tư tưởng cải lương yêu nước và chủ trương hoạt động hợp pháp, nhà chí sĩ đồng tình ra ứng cử ở huyện Tam Kỳ (Quảng Nam) rồi lại được bầu làm Viện trưởng Viện Nhân dân đại biểu Trung Kỳ. Làm Viện trưởng Viện Dân biểu, cụ Huỳnh bắt đầu thực hiện quyền hạn của mình. Cụ đưa ra một số yêu sách đòi mở rộng quyền dân chủ, đồng thời vạch trần những luận điệu lừa dối mỵ dân của thực dân Pháp, vốn thẳng thắn, kiên quyết nên kỳ họp nào Cụ cũng đòi chính quyền phải trả lời chủ dân những điều đã yêu sách, cũng như phải thực hiện những điều mà chính quyền đã hứa. Chính quyền thực dân chẳng những không đáp ứng những yêu sách hợp lý của Viện Dân biểu mà còn thẳng tay xóa bỏ cả những điều chúng đã hứa sẽ thực hiện… Sau đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng đưa đơn từ chức Viện trưởng. Từ đó, cụ Huỳnh không còn tin gì "thiện chí" của bọn thực dân nữa. Cụ bước vào cuộc đời làm báo để góp phần giáo dục quần chúng và tiếp tục vạch mặt, tố cáo chính sách thống trị của chính phủ Pháp và Nam triều tay sai trong điều kiện công khai cho phép, vẫn là tư tưởng hoạt động hợp pháp.

          Tờ báo Tiếng Dân ra mắt độc giả từ ngày 10-8-1927. Kể thì cũng quá muộn màng trong giới báo chí nước nhà, nhưng nó vẫn là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của xứ Trung Kỳ. Nó lại do cụ Huỳnh, làm chủ bút kiêm chủ nhiệm, nên được độc giả tiến bộ hoan nghênh nhiệt liệt.

          Đường lối chính trị cải lương của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng - người vẫn còn mang được truyền thống quật cường của dân tộc, vẫn chưa tách khỏi xu hương đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng cho đất nước, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc thân yêu là khác hẳn với bọn con buôn chính trị đương thời cũng từng mệnh danh là quốc gia mà thực chất là tay sai đế quốc như bọn Đại Việt thân Nhật, Quốc Dân đảng thân Tưởng... Dù sao thì chúng ta cũng thấy rằng đường lối chính trị cứu nước của cụ Huỳnh vẫn kiên trì trong giai đoạn này là phản đối bạo lực rất không có lợi cho phong trào cách mạng.

          Năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích Pháp và Nhật, càng cực khổ nghèo nàn. Nhật tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc Cụ, dùng cả chiêu bài Việt Nam phục quốc quân nhưng cụ đã trả lời dứt khoát, nói lên quan điểm của mình.

        Cách mạng tháng Tám thành công làm nức lòng mọi người. Tuy vậy những ngày đầu của đất nước độc lập trong tâm tư cụ Huỳnh còn có chút băn khoăn. Làm nên sự nghiệp vĩ đại này, bản thân Cụ chẳng những không trực tiếp góp phần, mà trước đây, do mang tư tưởng quốc gia cải lương, đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng Cộng sản. Cụ mặc cảm thấy như mình có lỗi. Nhưng rồi càng ngày càng thấy rõ chính sách đại đoàn kết của Việt Minh thật là quang minh chính đại. Chính quyền cách mạng không hề “bắt tội”, trái lại vẫn trọng thị Cụ, coi Cụ là một chí sĩ yêu nước lão thành đầy thiện chí vì nước vì dân. Cụ yên tâm và thực sự hòa mình vào không khí phấn khởi chung của dân tộc.

        Là một thành viên quan trọng của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, chấp hành triệt để đường lối của Chính phủ và của Hồ Chủ tịch, Cụ đã đem hết nhiệt tình hăng hái và tận tụy phục vụ Tổ quốc. Ở cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tham gia phiên họp Hội đồng Chính phủ hồi tháng 6-1946, khi thấy bọn đảng phái phản động cố tình phá rối, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây khó khăn cho chính quyền cách mạng, Cụ đã thẳng tay vạch mặt và cực lực phản đối. Bấy giờ, để mở rộng mặt trận đoàn kết, dân tộc, tập hợp đông đảo các lực lượng yêu nước gồm các đảng phái chính trị, các tôn giáo, các dân tộc, các giai cấp và đồng bào các giới... vào hàng ngũ chng Pháp, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, tức mặt trận Liên Việt được thành lập. Cụ Huỳnh là một trong những sáng lập viên của Hội và được bầu làm Hội trưởng.

          Tháng 6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp và cử cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Người đi vắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi chưa bao lâu thì cụ Huỳnh chứng kiến một cảnh giết người rùng rợn của bọn Quốc Dân đảng phản động khi sào huyệt của bọn này bị khám phá ở phố Ôn Như Hầu. Với cương vị Quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh ra lệnh bắt giam toàn bộ để nghiêm trị. Thời gian này, Cụ cũng có những đóng góp quan trọng trong việc điều hành bộ máy Nhà nước, xử lý đúng đắn mọi vấn đề nội trị, ngoại giao.

          Tháng 11-1946, Quốc hội ta cải tổ lại Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, thanh trừ hết bọn Việt gian phản động, Cụ Huỳnh lúc này đã già yếu, nhưng như Bác Hồ nói, vẫn “vì đại nghĩa” mà vẫn “gắng ở lại” giữ chức vụ cũ.

          Sau đó cụ Huỳnh thay mặt Chính phủ trung ương đi kinh lý miền Trung. Vào đến Quảng Ngãi, cụ Huỳnh không may bị ốm. Cụ Huỳnh trút hơi thở cuối cùng vào lúc 17 giờ ngày 21-4-1947, thọ 71 tuổi.

          Ghi nhận những cống hiến to lớn về tư tưởng cũng như sự nghiệp văn, thơ, sử học cho nước nhà của một nhà chí sĩ yêu nước, nhà ngôn luận sắc bén Huỳnh Thúc Kháng, ngày 15-4-2013, tại Huyện ủy Tiên Phước tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo nhà nước cùng chính quyền tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng - nguyên quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

          Nhân kỷ niệm 140 năm ngày sinh của cụ Huỳnh Thúc Kháng, xin được nhắc lại về con người, tư tưởng của cụ để thấy được những cống hiến to lớn của cụ cho nền văn hóa nước nhà. Có thể nói, cụ là một chiến sĩ văn hóa trên mặt trận ngôn luận, một học giả cũ trên bước đường canh tân đất nước, một nhà thơ, nhà văn, nhà sử học đa tài, cả cuộc đời của cụ đã cống hiến trọn vẹn tâm hồn lẫn thể xác cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2205 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày