Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 13/12/2016, 07:50

KỶ NIỆM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (19/12/1946 – 19/12/2016)

Cách đây 70 năm, vào đêm 19-12-1946, đáp lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Quân và dân ta ở thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã Nam Định, Hải Dương, Vinh, Huế, Đà Nẵng,… đã nhất tề đứng lên, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện trên phạm vi cả nước, những âm hưởng hào hùng của lời kêu gọi bất hủ ấy vẫn mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam, mãi là lời hịch của non sông, một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự có giá trị lịch sử trong mọi thời đại, thể hiện ý thức sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc và niềm tin vững bền về con đường cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã lựa chọn.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Dân tộc Việt Nam “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập” với “ ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, toàn dân đoàn kết dân tộc, thêm bạn bớt thù, huy động mọi sức mạnh, mọi khả năng của dân tộc, dùng sách lược đấu tranh linh hoạt và khôn khéo với địch, từng bước vượt qua mọi trở lực khó khăn, nguy hiểm, chủ động trước mọi tình thế để giữ vững chính quyền cách mạng, chuẩn bị cuộc kháng chiến lâu dài.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược và mở rộng ra nhiều vùng ở Nam bộ và Nam phần Trung là màn mở đầu của cuộc chiến tranh xâm lược lại nước Việt Nam do thực dân Pháp tiến hành. Ngọn lửa chiến tranh lan rộng nhanh chóng khắp vùng Nam Bộ và Nam Trung bộ. Cùng thời gian đó, 18 vạn quân Tưởng tràn vào miền Bắc, kéo theo bè lũ tay sai phản động hòng bóp chết nền Dân chủ Cộng hòa trẻ tuổi của chúng ta. Trước tình hình nguy ngập của vận nước, Đảng ra chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" (25-11-1945) vạch ra kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Nhưng trong tình hình phức tạp, một lúc phải chống chọi với nhiều kẻ thù bên ngoài và bên trong, Đảng đề ra sách lược đấu tranh sáng suốt nhằm bảo toàn lực lượng, tranh thủ thời gian để chuẩn bị tích cực cho cuộc chiến đấu sắp tới. Thực hiện sách lược "Hòa để tiến", Hồ Chủ Tịch đã ký với Pháp bản Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, cho 15 ngàn quân Pháp vào thế quân Tưởng rút về nước. Khi quân Tưởng rút, bọn tay sai còn lại bị tan rã.

Trước tình hình đó, ngày 18 và 19-12-1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 19/12/1946, quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc, súng nổ ầm trời. Giờ cứu nước đã đến! Pháo của ta từ Láng, từ Xuân Tảo trút căm hờn vào đầu giặc Pháp đóng ở trong thành. Các chiến lũy được củng cổ vững chắc. Cây bị chặt đổ, cột đèn bị ngả xuống, các toa xe điện nằm chắn ngang đường. Trong khói lửa mù mịt, nhân dân Hà Nội người nào việc nấy, dốc sức cho cuộc chiến đấu sống mái với quân thù.

Ngày 20-12-1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”

Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân ở thủ đô Hà Nội và ở các thành phố, thị xã bắc vĩ tuyến 16 đã nhất tề đứng lên đánh giặc, cứu nước, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Hà Nội và các thành phố trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc đã thực sự hình thành thế trận mỗi nhà là một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ. Công nhân, viên chức, thầy giáo, trí thức, học sinh, sinh viên, người buôn bán nhỏ, nhà tư bản, nhà sư... vừa tham gia đánh giặc, vừa phục vụ chiến đấu, động viên kháng chiến. Bằng sức mạnh của toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt và bằng cách đánh du kích – một hình thức đấu tranh vũ trang của quần chúng nhân dân đông đảo, quân dân ta đã vây hãm địch dài ngày trong các đô thị. Có thể nói trong những năm 1945 – 1946 và trong những ngày đầu của cuộc Kháng chiến toàn quốc, tính chất nhân dân của cuộc kháng chiến đã hình thành và phát triển.

Dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân ta anh dũng bước vào cuộc chiến tranh yêu nước thần kỳ để nói:

Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.

Kết thúc lời kêu gọi, Hồ Chí Minh khẳng định niềm tin tất thắng:

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”

Ngày 20/7/1954, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, giặc Pháp phải rút khỏi miền Bắc, một nửa nước thân yêu của chúng ta được giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn đất nước, thống nhất tổ quốc Việt Nam.

Có thể nói, ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, để cả nước chuyển vào cuộc kháng chiến trường kỳ. 70 năm đã trôi qua kể từ ngày cuộc Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong 70 năm đó, trên đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, đã diễn ra biết bao sự đổi thay diệu kỳ. Nhưng tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của ngày 19/12/1946 vẫn không bao giờ phai mờ.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến cũng là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ôn lại những bài học sâu sắc của lịch sử, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đồng sức chung lòng tạo nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhanh chóng đưa đất nước bước ra khỏi tình trạng tham nhũng, lãng phí, nghèo nàn lạc hậu, phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng và toàn diện với nền kinh tế thế giới để sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Nguyễn Thìn

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2102 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày