Đồng chí Xuân Trường tên thật là Hoàng Văn Nhủng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Thời kỳ đầu cách mạng, nhân dân Sóc Hà nuôi dưỡng và bảo vệ rất nhiều cán bộ cách mạng. Do được tiếp xúc với nhiều đồng chí cách mạng từ nhỏ nên Hoàng Văn Nhủng và em trai Hoàng Văn Vân được giác ngộ và hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Khoảng năm 1939, cả hai đồng chí bị bọn mật thám bắt, tra tấn dã man, giam giữ mất khoảng nửa năm, nhưng hai người bảo nhau nhất định không khai. Cuối cùng chúng phải thả hai anh em ra.
Khi được trả tự do Hoàng Văn Nhủng lấy bí danh là Xuân Trường, còn Hoàng Văn Vân lấy bí danh là Ái Nam để hoạt động cách mạng. Nhưng vẫn bị bọn mật thám truy tìm ráo riết. Với tinh thần ham học hỏi, hăng hái, dũng cảm tham gia hoạt động cách mạng nên hai đồng chí đã được Trung ương gửi sang học trường quân sự Hoàng Phố, bên Trung Quốc.
Năm 1944, đồng chí về nước để chuẩn bị tham gia đội quân chính quy đầu tiên của cách mạng. Đồng chí Xuân Trường tham gia hoạt động chủ yếu từ xã Trường Hà lên vùng Lục Khu (Hà Quảng), tích cực vận động xây dựng đội tự vệ thường và tự vệ chiến đấu của các xã, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng đội vũ trang châu Hà Quảng. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Hoàng Văn Nhủng vinh dự trở thành đội viên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngay sau khi được thành lập, Đội đã đánh thắng hai trận ở Phai Khắt và Nà Ngần.
Sau thắng lợi ở Phai Khắt, Nà Ngần, tiểu đội Xuân Trường cùng Đội hành quân về Lũng Dẻ, xã Trùng Khuôn (Nguyên Bình) và khu Việt Minh Thiện Thuật (nay thuộc xã Trương Lương, Hòa An) tuyển thêm quân để thành lập Đại đội đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đồng thời, củng cố thêm lực lượng, bổ sung thêm trang bị vũ khí, sau đó tiếp tục hành quân đi đánh ở đồn Đồng Mu (Bảo Lạc). Đồn Đồng Mu ở gần biên giới Việt - Trung thường phải đối phó với bọn thổ phỉ, nên địch xây dựng hệ thống công sự phòng thủ khá vững chắc. Quân lính ở đây sẵn sàng ngăn chặn, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta và truy lùng, bắt bớ cán bộ hoạt cách mạng. Tiểu đội Xuân Trường đã huy động rát nhiều lực lượng và vũ khí để đánh vào đồn Đồng Mu.
Trận công đồn diễn ra vào đêm mùng 4, rạng sáng ngày 5/2/1945 (tức ngày 22 tháng Chạp), trận đánh diễn ra khá ác liệt. Quân ta tổ chức thành 3 mũi tấn công vào cả ba cửa, vượt qua những mô đá tai mèo sắc nhọn, tiến lên đồn, hai tổ xung phong đi đầu vượt qua hàng rào thép gai, đến sân đồn. Khi tổ các đồng chí Quang Trung, Nam Long, Xuân Trường..., đang tiến vào đồn thị bị lộ. Địch lập tức ném lựu đạn xuống tới tấp và bắn ra một loạt đạn, trước tình hình đó, đồng chí Quang Trung quay ra hội ý với đồng chí Võ Nguyên Giáp và đề nghị đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Hoàng Sâm ở lại vị trí chỉ huy, còn đồng chí Quang Trung nhanh chóng tìm mọi cách bí mật vào trong đồn chiến đấu và cử liên lạc ra báo cáo. Sau khi đồng chí Quang Trung và các tổ tiến vào đồn, trận chiến đấu diễn ra ác liệt, địch ngoan cố chống cự, nhưng tinh thần chiến đấu của quân ta rất cao, các chiến sĩ của ta anh dũng chiến đấu giáp la cà quyết liệt với địch.
Tiểu đội trưởng Xuân Trường chỉ huy một tổ xung phong đột nhập qua cửa sổ, dùng súng tiểu liên diệt ngay tên gác cổng và một số tên khác. Đạn trong băng hết, anh rút thanh kiếm và khẩu súng ngắn xông vào sở chỉ huy địch. Một số tên địch tiếp tục bị tiêu diệt, quân địch cố thủ ở một lô cốt giữa đồn chống cự quyết liệt. Khi Xuân Trường đang lắp đạn thì bị một viên đạn địch bắn xuyên qua ngực, anh ngã gục xuống, lúc này các tổ viên ở ngoài cũng vào tới nơi. Xuân Trường gượng dậy gọi đồng chí Thế Hậu và nói “Mình bị trúng đạn rồi, cậu lấy ngay khẩu súng của mình bắn đi”. Thế Hậu chạy đến xốc Xuân Trường lên, nhưng anh gạt ra và giục “Đánh đi, không lôi thôi gì với mình cả. Xung phong lên”. Rồi Xuân Trường trút hơi thở cuối cùng giữa tiếng súng rền vang.
Cuộc chiến đấu kéo dài từ 23 giờ ngày 4 đến 2 giờ ngày 5/2/1944, quân ta tiêu diệt 20 tên địch, bắt sống 3 tù binh, thu 5 khẩu súng và nhiều đạn dược. Do bị thiệt hại nặng, bọn địch còn lại trong đồn buộc phải tháo chạy, nhưng trước khi rút chạy, chúng tập trung vũ khí, đạn dược và những trang bị còn lại rồi đổ dầu đốt. Ban Việt Minh xã Ân Quang đã nhanh chóng huy động nhân dân dập lửa thu nhiều chiến lợi phẩm để trang bị cho đội vũ trang địa phương.
Trong trận chiến đấu này, đồng chí Xuân Trường - Tiểu đội trưởng đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh, anh ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ và chưa lập gia đình. Sau khi đồn Đồng Mu bị tấn công, địch bị thiệt hại nặng buộc phải rút chạy, xã Ân Quang được giải phóng. Theo nguyện vọng của nhân dân và cán bộ, xã Ân Quang được mang tên mới là xã Xuân Trường, để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của liệt sỹ Xuân Trường.
Ngày 19/8/1961, liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công (Quyết định số 337/TTg của Thủ tướng Chính phủ). Để khắc ghi tên tuổi người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ quê hương mình, xã Đồng Mu, hyện Bảo Lạc, Cao Bằng, nơi diễn ra trận đánh năm xưa, nay đã được đổi tên thành xã Xuân Trường - Bí danh của người con Cao Bằng, người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, quê hương của liệt sĩ Xuân Trường đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp”.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam 27/7/1947 – 27/7/2017, Thư viện Đồng Nai xin giới thiệu vắn tắt tiểu sử người anh hùng Xuân Trường – Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời gửi lời tri ân sâu sắc đến các đồng chí thương bệnh binh, người nhà các đồng chí liệt sĩ. Thế hệ sau xin hứa sẽ luôn cố gắng cống hiến công sức của mình để góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Đào Thanh