Ngày 7/11/1917, dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập nên nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại.
Không bao lâu sau sự kiện vĩ đại ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc - người Việt Nam đầu tiên - đã tiếp thụ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đó, Người quyết tâm đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, con đường của Lênin để cứu nước cứu dân, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Có thể nói, từ những ngày đầu tiên đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đấu tranh cách mạng, những bài viết về Cách mạng Tháng Mười Nga, về Lênin, về chủ nghĩa xã hội đã chiếm một vị trí nổi bật trong toàn bộ các tác phẩm, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 21-1-1924, Lênin từ trần. Với niềm tiếc thương vô hạn và lòng kính yêu sâu sắc, chưa đầy một tuần lễ sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Sự thật ở Liên Xô, ngày 27-1-1924. Với những tài liệu đã phổ biến rộng rãi, bài viết trên đây vẫn thường được xem là bài viết đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Lênin, về Cách mạng Tháng Mười. Thật ra, trước đó trên báo Người cùng khổ (Le Paria) xuất bản ở Pari từ tháng 4-1922 đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài đầy nhiệt tình ca ngợi Cách mạng Tháng Mười Nga, ca ngợi chế độ mới ở Liên Xô sau Cách mạng Tháng Mười.
Từ năm 1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài về Lênin như: “Lênin và các dân tộc phương Đông”, đăng trên báo “Người cùng khổ” tháng 7-1924; “Lênin và các dân tộc thuộc địa”, đăng trên tạp chí Đỏ, số 2-1925; “Lênin và các dân tộc thuộc địa”, đăng trên báo Công nhân Bakinsky, Liên Xô số 16-1925; “Lênin và phương Đông”, đăng trên báo Tiếng còi, Liên Xô, ngày 21-1-1926 ...v.v.
Trong cuốn sách nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp” bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Pari tháng 12-1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành phần IV trong chương XII viết về Cách mạng Nga dưới tiêu đề “Cách mạng Nga với các dân tộc thuộc địa”.
Vào thời kỳ nửa sau thập niên 1920, trong quá trình chuẩn bị thành lập chính đảng vô sản ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần viết về Cách mạng Tháng Mười Nga và Lênin. Người coi đó là một nội dung quan trọng, là bài học cơ bản trong việc đào tạo cán bộ, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng. Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận trung ương của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng ta - do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và trực tiếp chỉ đạo từ năm 1925 đến năm 1927 đã giới thiệu kỹ về Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga.
Trên báo Thanh niên đã ra số đặc biệt vào ngày 7-11-1926, kỷ niệm lần thứ chín cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, với nhiều bài viết về Lênin và mối quan hệ của Cách mạng Tháng Mười đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Đây là một trong mười số báo Thanh niên mà hiện nay chúng ta đã có được, và có lẽ là số báo đầu tiên ở nước ta dành riêng kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.
Năm 1927, Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản cuốn “Đường cách mệnh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đó là một số đề cương, bài giảng của Người trong các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu được tập hợp lại. Trong tác phẩm nổi tiếng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần riêng về Cách mạng Tháng Mười dưới tiêu đề “Lịch sử Cách mạng Nga”. Sau khi phân tích các cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ và Cách mạng Tháng Mười Nga, Người kết luận: “Chỉ có Cách mạng Tháng Mươi Nga là cuộc cách mạng triệt để nhất, vì nó đem lại tự do, bình đẳng, hạnh phúc thật sự cho nhân dân lao động và còn giúp đỡ cho các dân tộc bị áp bức làm cách mạng để tự giải phóng. Và bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Năm 1930, được sự giúp đỡ về tài liệu của một số đồng chí Liên Xô cùng với sự hiểu biết và nghiên cứu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn Nhật ký chìm tầu gồm 24 chương. Dưới hình thức kể chuyện về ba người hành khách còn sống sót sau tai nạn đắm tàu, họ đã được một chiếc tàu buôn Liên Xô cứu thoát và đưa tới đất nưốc Xôviết một thời gian. Qua cuốn Nhật ký chìm tầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn giới thiệu những sự đổi thay toàn diện ở Liên Xô trước và sau Cách mạng Tháng Mười, đập tan những luận điệu xuyên tạc, vu khống của kẻ thù đối với đất nước Xôviết và tuyên truyền động viên nhân dân ta vùng lên đấu tranh theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Vào những năm 1952 và 1954, khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đang trải qua thời kỳ ác liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết các bài “Sự nghiệp vĩ đại của Lênin” đăng trên báo Nhân dân ngày 24-1-1952; “Lênin dạy” đăng trên báo Nhân dân ngày 21-1-1954. Trong hai bài viết này Người nhắc lại những lời dạy quý báu của Lênin nhằm động viên nhân dân ta khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, và như vậy “là kỷ niệm Lênin một cách xứng đáng”.
Có thể nói, từ thời kỳ này về sau, trong nhiều dịp kỷ niệm Lênin và Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài như “Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp giải phóng các dân tộc phương Đông” và “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” để kỷ niệm 40 năm và 50 năm Cách mạng Tháng Mười.
Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo nổi tiếng “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê nin”. Tiếp đó, tháng 4-1962, Người viết bài “Chủ nghĩa Lênin vĩ đại muôn năm” đăng trên báo Nhân dân ngày 22-4-1962 và bài “Lênin, người thầy của cách mạng Việt Nam” đăng trên báo Sự thật ở Liên Xô. Với những bài viết đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định ý nghĩa vĩ đại, những bài học cơ bản của cuộc Cách mạng Tháng Mười, sức mạnh vô địch của chủ nghĩa Lênin đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta cũng như đối với nhân dân các nước trên thế giới.
Từ lúc đọc được bản luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa, tìm ra còn đường giải phóng dân tộc cho quê hương lầm than của mình là phải giải phóng giai cấp, giải phóng nô lệ, kiên định theo con đường chủ nghĩa xã hội, Chủ tịnh Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều bài báo, bài tham luận, truyện ngắn,… về Lênin, về Cách mạng Tháng Mười, về con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, về nước Nga Xôviết,... Người luôn mong muốn nhân dân Việt Nam đồng lòng đồng sức, gắn bó keo sơn, mềm dẻo, khôn khéo tận dụng nhiều sự giúp đỡ của các nước đồng minh, kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giàu đẹp. Cho đến ngày nay, nguyện vọng của Người đã được lớp lớp thế hệ cha ông gìn giữ, phát huy và đời đời con cháu sau này chung tay, góp sức xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:
Cách mạng tháng Mười và vấn đề dân tộc / J Sta-Lin. - Xuất bản lần 2. - H. : Sự thật , 1958.
Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc / Hồ Chí Minh. - H. : Sự thật , 1967.
Về Lê Nin và Cách mạng tháng mười / Hồ Chí Minh. - H. : Sự thật , 1985.
Cuộc cách mạng 10 ngày làm rung chuyển thế giới : Những giá trị xuyên thế kỷ / Nguyễn Quốc Hùng. - H. : Chính trị Quốc gia , 2012.
Đào Thanh