Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 21/11/2017, 15:20

KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY SINH CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT (23/11/ 1922 – 23/11/2017)

Đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà lãnh đạo tài năng, kiên trung, mẫu mực của Đảng và Nhà  nước ta, suốt đời phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng và tự do, hạnh phúc của nhân dân.

 

Đồng chí Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, sinh n gày 23-11-1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long – một vùng đất giàu truyền thống đấu tranh chống áp bức cường quyền. Tiếp thu tinh thần yêu nước và truyền thống bất khuất của quê hương, đồng chí sớm hình thành tư tưởng yêu nước và cách mạng. Năm 1938, khi mới 16 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11 – 1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, thực dân Pháp đàn áp khủng bố những người yêu nước, theo sự điều động của tổ chức, đồng chí về hoạt động vùng U Minh thuộc tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang). Trong suốt thời gian từ năm 1941 – 1945, trên cương vị Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Rạch Giá, đồng chí đã tham gia xây dựng lực lượng cách mạng, bảo vệ căn cứ địa U Minh trở thành đầu não chỉ huy cách mạng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ; xây dựng căn cứ U Minh là nơi huấn luyện cán bộ, sản xuất vũ khí, chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa cướp chính quyền ở Rạch Giá và các tỉnh miền Tây, góp phần giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945.

Ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, thực dân Pháp tái chiếm Nam Bô, đồng chí được cử làm Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng Liên tỉnh Tây Nam Bộ, lãnh đạo nhân dân các tỉnh miền Tây tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1950, đồng chí được Đảng điều về tỉnh Bạc Liêu làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Với tài năng và nhiệt huyết cách mạng, đồng chí tỏ rõ là người lãnh đạo linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn; dấu chân của đồng chí đã in khắp các chiến khu, bưng biền, trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu của đồng bào Tây Nam Bộ, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân cả nước.

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đồng chí được Đảng phân công bí mật ở lại miền Nam, hoạt động trên địa bàn các tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu, vùng cực Nam của Tổ quốc. Trong những tháng ngày đen tối của cách mạng miền Nam, đồng chí liên tục bám đất, bám dân, nắm tình hình, chỉ đạo cơ sở, giữ gìn lực lượng cách mạng. Năm 1955, đồng chí được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam Bô, Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, sát cánh bên cạnh đồng chí Lê Duẩn, góp phần xây dựng Đề cương cách mạng miền Nam. Bản Đề cương là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để Đảng ta cho ra đời Nghị quyết 15, tạo nên phong trào “Đồng khởi” ở khắp miền Nam, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Thời gian từ 1959 – 1972, ở Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung, là thời kỳ chiến tranh vô cùng ác liệt. Đế quốc Mỹ và tay sai ra sức tiến hành các chiến lược chiến tranh: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”…, nhằm tiêu diệt cách mạng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt, quân và dân Sài Gòn – Gia Định đã anh dũng, kiên cường, làm thất bại những âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, nhất là trong dịp Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), quân và dân Sài Gòn đã đồng loạt tấn công vào các mục tiêu đầu não của Mỹ - ngụy, làm cho chúng bị thiệt hại nặng nề. Qua đó, góp phần đánh bại ý chí tiến hành chiến tranh của địch, buộc Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại Hội nghị Pari.

Từ năm 1973 – 1975, đồng chí điều về công tác ở Trung ương Cục, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Với tư duy nhạy bén, kinh nghiệm cách mạng già dặn, đồng chí đã đưa ra nhận định, đánh giá hết sức chính xác, chỉ đạo kịp thời, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong việc hành quân, lấn chiếm vùng giải phóng sau Hiệp định Pari, tạo đà cho sự phát triển của cách mạng miền Nam.

Sau ngày Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với bao khó khăn, thiếu thốn, do hậu quả của chiến tranh để lại. Trên cương vị Phó Bí thư Thành tủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã đưa ra những quyết sách hết sức năng động, phù hợp với tình hình thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, đưa Thành phố Hồ Chí Minh dần đi vào ổn định và trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước.

Với cương vị cao nhất của Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện thành công đường lối đổi mới của Đảng. Trên phương diện kinh tế - chính trị, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định, dần dần thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, bước đầu thiết lập sự liên kết kinh tế khu vực và thế giới (với ASEAN và EU), từng bước phá vỡ thế bao vây cấm vận. Trong lĩnh vực đối ngoại, thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, đưa đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập, phát triển. Có thể nói, trong thời gian 5 năm trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã góp phần xứng đáng vào những thành công vĩ đại của Đảng và nhân dân ta. Từ một đất nước chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh tàn phá, đang trên bờ của cuộc khủng hoảng nặng nề, đến đầu những năm 1990, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Dấu ấn của đồng chí còn được khắc ghi bằng những công trình thế kỷ: đường dây tải điện 500 Kv Bắc – Nam, dự án thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa đồng bằng song Cửu Long, đường Hồ Chí Minh, Nhà máy lọc dầu Dung Quất,v.v… mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ Việt Nam. Do những cống hiến to lớn của đồng chí cho Đảng và cách mạng, tháng 12 – 1997, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng – Huân chuân cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta. Ngoài ra, đồng chí còn dược tao tặng nhiều huân, huy chương khác và Huy hiện 60 năm tuổi Đảng.

Từ tháng 12 – 1997 đến tháng 4 – 2001, do tuổi cao, đồng chí xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương, và được Hội nghị lần thứ tư rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí là hiện thân tiêu biểu của lớp các chiến sĩ cách mạng hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp của Đảng và của dân tộc. Thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, dù ở bất cử cương vị nào, đồng chí cũng dốc lòng, dốc sức, tìm tòi sáng tạo, hoàn thành trọng trách trước Đảng, trước nhân dân. Suốt đời đồng chí chỉ có một tâm niệm phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, phục vụ Tổ quốc nhiều hơn nữa. Trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, giản dị, chân thành, cởi mở, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân – đó là phẩm chất cao đẹp, sáng ngời một nhân cách lớn của người cộng sản, nhà lãnh đạo tài năng Võ Văn Kiệt.

Kỷ niệm 95 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng ta nhìn lại những công lao đóng góp của một vị lãnh đạo đã dành trọn đời mình vì nước, vì dân. Sự nghiệp cách mạng và phẩm chất đạo đức cao đẹp của đồng chí là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam học tập, kính trọng và mãi mãi noi theo.

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 769 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày