Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử
Ngược dòng lịch sử Thứ Ba, 06/02/2018, 21:45

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – Người chiến sĩ cộng sản kiên cường

Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nó chứng tỏ sự trưởng thành của giai cấp công nhân và mở ra một thời kỳ cách mạng mới cho dân tộc Việt Nam. Sự kiện lịch sử vĩ đại này là kết tinh quá trình hoạt động gian khổ, hy sinh của lớp lớp người yêu nước, trong đó có nhiều thanh niên, công nhân, trí thức Việt Nam mà Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người tiêu biểu.

Nguyễn Đức Cảnh sinh năm 1908, tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà Nho nghèo có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng kiên cường.

Ngay từ lúc còn trẻ, Nguyễn Đức Cảnh đã chứng kiến cuộc sống lam lũ vất vả của người dân lao động, cảnh sống xa hoa của bọn quyền quý, quan lại, thực dân, ở anh sớm có ý thức, tình cảm yêu thương những người lao động, khinh ghét bọn quan lại. Khi sang học ở Trường Thành Chung Nam Định, anh đã cùng một số bạn bè cùng chí hướng tìm đọc những sách báo tiến bộ trong đó có tờ Le Paria do Nguyễn Ái Quốc sáng lập trên đất Pháp được truyền về nước “để thức tỉnh đồng bào chúng ta” và đồng thời cũng tìm hiểu các phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp của dân tộc ta. Tại nơi đây, anh được thấy rõ cảnh sống lầm than, bị áp bức, bóc lột của những công nhân trong các xưởng máy, chứng kiến cuộc sống giàu sang, phè phởn của bọn thực dân đế quốc, chủ xưởng,… đã làm nảy sinh trong đồng chí ý thức căm ghét bọn thống trị, quan lại, đồng chí cảm nhận sâu sắc nỗi nhục của người dân mất nước. Vì thế đồng chí rất say sưa tìm hiểu những hoạt động chống Pháp của các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.

Ở Nam Định, phong trào đấu tranh cũng diễn ra khá sôi động. Năm 1925, Nguyễn Đức Cảnh là một trong số những người đứng ra tổ chức cuộc vận động đòi thực dân Pháp ân xá cho Phan Bội Châu. Năm 1926, anh cùng một số bạn bè Trường Thành chung tổ chức cuộc bãi khóa lôi cuốn hàng vạn người tham gia truy điệu Phan Châu Trinh. Sau sự kiện này, anh và một số bạn bè bị đuổi học. Để tự nuôi sống mình, anh lên Hà Nội kiếm việc làm như làm thư ký cho Hiệu ảnh Hưng Ký, dạy học ở Trường tư thục, làm thợ sắp chữ ở Xưởng in. Trãi qua nhiều công việc khác nhau đã giúp cho Nguyễn Đức Cảnh có thêm điều kiện hiểu sâu sắc về giai cấp công nhân, về những bất công, những nổi thống khổ mà họ phải gánh chịu. Đây là mốc quan trọng, đánh dấu sự gắn bó của người thanh niên Nguyễn Hữu Cảnh với giai cấp công nhân, với sự nghiệp vận động công nhân trong cả quãng đời hy sinh trọn vẹn cho sự nghiệp cách mạng sau này.

Tháng 9 năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh được tổ chức cử sang Quảng Châu, Trung Quốc gặp Tổng bộ Thanh niên để phối hợp hành động. Trong thời gian học tập và nghiên cứu tại đây, Nguyễn Đức Cảnh thấy rõ tính đúng đắn của con đường cứu nước do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn – con đường cách mạng vô sản. Và tại đây, anh đã gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đó là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh – từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản.

Đầu năm 1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trực tiếp là Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng. Đồng chí đã cùng đồng chí Ngô Gia Tự đề nghị Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ tổ chức tháng 9 năm 1928 thông qua chủ trương “vô sản hóa”, đưa các hội viên thâm nhập sâu rộng vào phong trào công nhân. Với chủ trương này, phong trào công nhân đã phát triển vượt bậc. 

Đến năm 1929, phong trào công nhân có sự phát triển mạnh mẽ, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Sự phát triển của cách mạng đòi hỏi phải có một tổ chức chính trị cao hơn, chặt chẽ hơn là Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào. Để thực hiện chủ trương đó, tháng 3 năm 1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội), Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập, trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong bảy đảng viên đầu tiên của chi bộ cộng sản này.

Vào tháng 6 năm 1929, đại biểu cho các hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ họp Hội nghị quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ, ra tờ báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Trung ương lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Ngày 28 – 7 – 1929, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng về công tác công vận, đồng chí triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc Kỳ. Dưới sự chủ trì của đồng chí, Đại hội nêu ra những nhiệm vụ công tác mới cho phong trào công nhân và quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Tại Đại hội, đồng chí được bầu làm Hội trưởng Ban trị sự và phụ trách tờ báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ - Cơ quan tuyên truyền của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ do đồng chí lãnh đạo là một sự kiện có tầm quan trọng lớn lao trong lịch sử phong trào công nhân và công đoàn toàn quốc.

Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập trên cương vị là Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng, đồng chí đã tích cực lựa chọn những thanh niên tiên tiến để kết nạp vào Đảng và đã kiện toàn 14 chi bộ, với 100 đảng viên, phát triển các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đó, Thanh niên đoàn, Phụ nữ giải phóng, mở nhiều lớp tập huấn luyện chính trị, tổ chức ấn hành tờ Sao đỏ - Cơ quan của Tỉnh Đảng bộ, tờ Tia lửa – Cơ quan của Tỉnh đoàn thanh niên.

Năm 1930, cao trào Xôviết Nghệ - Tĩnh bị địch đàn áp dữ dội, nhiều đồng bào, đồng chí hy sinh, nhiều cơ sở bị vỡ. Cuối tháng 10 năm 1930, Trung ương Đảng điều đồng chí vào tăng cường cho Ban lãnh đạo của Đảng ở Trung Kỳ. Bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, đồng chí cùng Xứ ủy Trung Kỳ đã tích cực hoạt động, tuyên truyền, động viên giữ vững tinh thần quần chúng, chấp nối cơ sở để bảo toàn cơ sở, bảo vệ nhân dân.

Một buổi tối cuối tháng 4 năm 1931, trên đường về cơ sở sau khi dự Hội nghị nghe truyền đạt Nghị quyết của Trung ương, Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt. Mặc dù bị kẻ thù tra tấn hết sức dã man, tinh thần người chiến sĩ Nguyễn Đức Cảnh vẫn không hề nao núng, vẫn giữ một thái độ điềm tĩnh, khí tiết của người cộng sản.

Trong thời gian bị giam trong xà lim án chém, đồng chí đã tranh thủ những giây phút còn lại của đời mình để giảng giải về lý tưởng cách mạng cho các đồng chí khác trong tù.

Ngày 30 – 7 – 1932, thực dân Pháp bí mật đưa đồng chí cùng với một đồng chí khác xuống Nhà lao Hải Phòng và 5 giờ sáng hôm sau, ngày 31 – 7, chúng đã xử chém khi đó anh vừa tròn 24 tuổi. Thái dộ ung dung bình tĩnh của đồng chí trước giờ lên máy chém đã khiến kẻ thù phải nể phục, càng khiến các đồng chí của anh tăng thêm chí khí đấu tranh. Sự hy sinh oanh liệt, đầy khí phách của đồng chí càng làm rõ thêm chân lý: Đối với những chiến sĩ cộng sản, chết không phải là hết. Với họ, chết còn là một cống hiến.

Bằng cả cuộc đời hoạt động cách mạng tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng sôi nổi và oanh liệt của mình, bằng tất cả những gì toát lên từ nhân cách, đồng chí đã để lại một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng và cao cả.

Cội rễ và phẩm chất đạo đức cách mạng Nguyễn Đức Cảnh bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, của gia đình. Phẩm chất đó được bồi đắp, hun đúc thêm trên những chặng đường đấu tranh của người cộng sản Nguyễn Đức Cảnh, làm tỏa sáng chân dung một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi kiên cường đã lạc quan và tự nguyện hiến trọn tuổi thanh xuân cho cuộc đấu tranh vì Đảng, vì dân, vì đất nước. Đó là tình thương yêu chân thành và sâu sắc, chia sẻ những khổ đau hoạn nạn với đồng bào, đồng chí, tinh thần hy sinh quên mình, vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và cách mạng yêu cầu, ý chí kiên cường bất khuất, không lùi bước trước mọi thủ đoạn tàn bạo của quân thù, thái độ ung dung tự tại của một người chiến sĩ lạc quan, tin tưởng vững chắc vào tương lai chiến thắng của cách mạng.

Nhân kỷ niệm 110  năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, chúng ta cùng ôn lại và tôn vinh tinh thần hy sinh cao cả, cống hiến trọn đời mình cho Đảng và dân tộc ta. Noi gương đồng chí, vị lãnh tụ tiền bối của Đảng và giai cấp công nhân, chúng ta nguyện đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn. Ngày nay, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công  nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để thực hiện mục tiêu cao cả đó, mỗi cán bộ, công nhân viên lao động chúng ta không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết nhất trí, lao động và công tác đạt hiệu quả cao nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.

 

 

_Thanh Vân_

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1518 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày