Giá trị và sức sống trường tồn trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản không chỉ là một văn kiện mang tính cương lĩnh mà còn là một tác phẩm lý luận bất hủ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế 170 năm qua. Lịch sử đã có nhiều biến đổi lớn, sự thay đổi cơ cấu kinh tế trong nền kinh tế thế giới đã dẫn đến sự biến động về kết cấu và tiến trình phát triển của giai cấp vô sản trên phạm vi thế giới. CNXH hiện thực đã trải qua bao thăng trầm, song lịch sử tiếp tục chứng minh rằng những nguyên lý cơ bản đã được trình bày trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn là ánh sáng soi đường cho nhân loại tiến về tương lai.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (gọi tắt là Tuyên ngôn) gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của C. Mác và Ph. Ăng ghen. Tuyên ngôn là tác phẩm đánh dấu sự chín muồi về tư tưởng, quan điểm và phương pháp luận khoa học.
Kể từ khi ra đời đến nay, mặc dù trải qua nhiều biến động của lịch sử, song Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph. Ăng ghen soạn thảo vẫn giữ nguyên giá trị và sức sống, ngay cả khi bị kẻ thù công kích và chống phá quyết liệt. Tác phẩm được coi là một di sản lý luận chủ yếu về chủ nghĩa xã hội khoa học, đồng thời, tác phẩm cũng là cương lĩnh chính trị đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Trong di sản lý luận của chủ nghĩa Mác, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Lần đầu tiên, tác phẩm của hai ông đã hệ thống hóa những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác dưới dạng cô đọng nhất, thể hiện đầy đủ thế giới quan duy vật biện chứng và các luận thuyết cơ bản về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế - chính trị học, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, lý luận về Đảng,… Đồng thời, Tuyên ngôn còn là văn kiện lịch sử quan trọng, là cương lĩnh đầu tiên của những người cộng sản.
Có những vật mà giá trị của nó khó có thể đong, đo, đếm được. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cũng vậy. Đây chỉ là một tác phẩm nhỏ, nhưng giá trị của nó thì không nhỏ. V.I.Lê nin đã từng viết: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách: tinh thần nó, đến bây giờ, vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”. Bởi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được đánh giá cao về những giá trị mang tính nhân văn, khoa học và chỉ đạo thực tiễn.
Giá trị nhân văn:
Tư tưởng về sự giải phóng con người khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, về những khát vọng tự do, bình đẳng, về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đã được thể hiện trong văn học, lý luận, trong các triết thuyết như một dòng chảy liên tục từ thời cổ đại cho đến ngày nay. Đây là bản Tuyên ngôn khái quát nhất, tiêu biểu nhất về sự giải phóng con người, bản Tuyên ngôn về quyền con người theo nghĩa đầy đủ nhất, chân chính nhất. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản không phải ý tưởng giải phóng một giai cấp đặc thù mà là lời tuyên bố sự giải phóng toàn nhân loại. Tuyên ngôn đã chỉ ra con đường đi đến mục đích đó, chứ không phải chỉ đơn thuần là sự khát vọng.
Tuyên ngôn đề cao quyền tự do cá nhân và việc đảm bảo quyền tự do của mỗi người như là tiền đề, điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người trong xã hội. Tuyên ngôn đã phác họa ra những nét cơ bản của xã hội đó – xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đó là một xã hội không còn áp bức bóc lột, không còn sự phân biệt giai cấp, mọi người đều tự do bình đẳng. Tuyên ngôn đề cập đến quyền con người như quyền tự do, bình đẳng, quyền được lao động và hưởng thụ những thành quả lao động, quyền được quản lý xã hội, quyền học hành và đặc biệt là quyền dân tộc tự quyết…
Tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa của Tuyên ngôn không phải là sự không tưởng mà nó được dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Cơ sở khoa học đó chính là lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học, còn cơ sở thực tiễn là những điều kiện về kinh tế xã hội. Điều đó tạo nên giá trị nhân văn đích thực của tuyên ngôn, vì trong đó, tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa gắn liền với bản chất khoa học và cách mạng. Giá trị nhân văn đó có sức sống trường tồn vì nó phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân lao động trên toàn thế giới không những ở thời đại Mác mà còn mãi mãi về sau.
Giá trị khoa học:
Tuyên ngôn là cột mốc đánh dấu bước vượt trội quan trọng trong nhận thức, trong sự chín muồi lý luận khoa học về các vấn đề xã hội, làm cơ sở cho bước chuyển dứt khoát từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ nghĩa của C. Mác và Ph. Ăng ghen. Tuyên ngôn hội tụ những phát kiến vĩ đại của một trường phái triết học mới và một quan điểm xã hội học mới về chất so với các học thuyết, trường phái khác đã hình thành và phát triển đến đỉnh cao vào giữa thế kỷ XIX. Tuyên ngôn đưa ra và phân tích một cách khoa học những vấn đề lý luận cơ bản làm cơ sở cho chiến lược và sách lược cách mạng của giai cấp công nhân: sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; lý luận về đảng; lý luận về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội; vấn đề về sở hữu và phát triển lực lượng sản xuất; vấn đề quốc tế hóa… Tuyên ngôn tạo ra giá trị về phương pháp luận, trang bị cho người đọc một thế giới quan khoa học, một phương pháp tư duy khoa học trong nhận thức và giải quyết các vấn đề.
Giá trị chỉ đạo thực tiễn:
Mục đích viết Tuyên ngôn là soạn ra một bản cương lĩnh của những người cộng sản để chỉ đạo phong trào cộng sản và công nhân ở Đức, Anh, Pháp và các nước khác. Tuyên ngôn chỉ ra đường lối cách mạng và những nhiệm vụ mà giai cấp vô sản cần giải quyết, đồng thời nêu rõ chiến lược, sách lược, phương pháp cách mạng trong từng giai đoạn. Tuyên ngôn hướng dẫn cách thức vận dụng những nguyên lý và biện pháp cách mạng, theo đó giai cấp vô sản cần vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo tùy theo điều kiện lịch sử cụ thể. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là kim chỉ nam cho hành động của các Đảng Cộng sản và công nhân trên toàn thế giới. Tuyên ngôn ra đời đã cổ vũ tinh thần đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp.
Có thể nói, những luận điểm trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã soi sáng cho con đường cách mạng của giai cấp vô sản và đảng tiên phong của nó trong sự nghiệp lãnh đạo quần chúng nhân dân ở nhiều nước trên thế giới thực hiện cuộc cách mạng vô sản lật đổ giai cấp tư sản và thiết lập nền chuyên chính vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, xóa tan áp bức, bóc lột và bất công trong xã hội. Thành tựu của Công xã Pari, Cách mạng tháng Mười Nga, Cách mạng tháng Tám của Việt Nam và những thành công của các cuộc cách mạng vô sản khác đã chứng minh tính đúng đắn, khoa học của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
Khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời (2/1848), Việt Nam là nước phong kiến, nông nghiệp lạc hậu. Mười năm sau (1/9/1858), quân Pháp xâm lược Việt Nam, từng bước thiết lập chế độ thống trị tàn bạo, phản động chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta. Từ thân phận thuộc địa, nô lệ, nhân dân Việt Nam nhiều lần nổi dậy đấu tranh giành độc lập nhưng đều thất bại. Đầu thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trên con đường tìm đường tự giải phóng đã tiếp thu học thuyết cách mạng của C. Mác, Ph.Ăngghen và V. I. Lênin, khẳng định con đường đấu tranh đúng đắn. Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) đề ra Cương lĩnh đúng đắn. Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng tám 1945 giành độc lập dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Lãnh đạo các cuộc kháng chiến cứu nước giành độc lập, thống nhất hoàn toàn.
Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc đổi mới xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCH. Những thành tựu to lớn của Việt Nam là sự hiện thực hóa và chứng minh tính đúng đắn của tư tưởng bất hủ trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
Nhân kỷ niệm 170 năm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848-2018), ôn lại lịch sử nhằm khẳng định giá trị, sức sống trường tồn, sự đúng đắn và khoa học trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản để mỗi chúng ta có thể góp phần vào việc bảo vệ và gìn giữ Tuyên ngôn Đảng Cộng sản như báu vật của quốc gia.
Đinh Nhài
