170 năm trước đây, sự ra đời Tuyên ngôn của Đảng cộng sản – Tuyên ngôn của chủ nghĩa cộng sản khoa học và chủ nghĩa nhân đạo hiện thực đã “đánh dấu một bước tiến trong khoa học lịch sử”, một giai đoạn mới về chất trong lịch sử hình thành và phát triển tri thức của nhân loại nói chung, một bước ngoặt lịch sử trong sự phát triển tư tưởng của nhân loại về xã hội, về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản nói riêng.
Trong toàn bộ cuộc đời sáng tạo khoa học và hoạt động cách mạng không mệt mỏi và phong phú của mình. Mác và Ăngghen đã viết cả một khối lượng đồ sộ sách, bài báo, văn kiện, thư từ… trong đó Tuyên ngôn của Đảng cộng sản là tác phẩm có vị trí đặc biệt và giá trị hết sức vĩ đại. Với bản thân các tác giả, Tuyên ngôn là cột mốc đánh dấu bước vượt trội quan trọng trong nhận thức, trong sự chín mùi lý luận khoa học về các vấn đề xã hội làm cơ sở cho bước chuyển dứt khoát từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ nghĩa của hai ông. Với quá trình phát triển của khoa học xã hội, Tuyên ngôn là tác phẩm hội tụ những phát triển vĩ đại của một trường phái triết học mới, một học thuyết kinh tế chính trị mới và một quan điểm xã hội học mới về chất so với các học thuyết, trường phái đã hình thành và phát triển đến đỉnh cao vào giữa thế kỷ XIX. Từ đây, nhân loại lần đầu tiên được biết đến một triết học mới được đánh giá như cống hiến của học thuyết Đácuyn trong sinh vật học, đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; một học thuyết kinh tế mới – kinh tế chính trị học dựa trên quan điểm duy vật về lịch sử - khoa học hơn hẳn kinh tế chính trị học Anh đương thời; một học thuyết về chủ nghĩa xã hội mới – chủ nghĩa xã hội khoa học – bỏ xa chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp và các trường phái tư tưởng xã hội chủ nghĩa khác như về sau Lênin đánh giá: “Tác phẩm này trình bày một cách sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để - chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội – phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng – trong lịch sử toàn thế giới – của giai cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới xã hội cộng sản”. Với phong trào cộng sản và công nhân, Tuyên ngôn là lời hiệu triệu đầy sức thuyết phục thôi thúc giai cấp vô sản châu Âu và các nước khác đứng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột; là lời tuyên cáo đanh thép về sự diệt vong không tránh khỏi của chế độ tư bản và sự ra đời tất yếu của chế độ xã hội mới do nhân dân lao động làm chủ; là những chỉ dẫn mang tính nguyên lý chỉ đạo cho phong trào công nhân trong cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền.
Và giờ đây, sau 170 năm với biết bao những biến cố lịch sử đã diễn ra kể từ khi Tuyên ngôn được phổ biến trên toàn thế giới, từ Công xã Pari – cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử nhân loại mà với thắng lợi dẫu là ngắn ngủi của nó, nhà nước vô sản đầu tiên đã được thiết lập; Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại – cuộc cách mạng mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và hệ thống xã hội chủ nghĩa ra đời;… cho đến sự kiện gần đây nhất – sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, phong trào cách mạng thế giới đang tạm thời lắng xuống, song, những tư tưởng cơ bản, những nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa cộng sản khoa học và chủ nghĩa nhân đạo hiện thực mà Tuyên ngôn đưa ra “đã phát triển rộng trong công nhân tất cả các nước”, “vẫn còn hoàn toàn đúng”. Những giá trị đó chứng tỏ Tuyên ngôn mãi là Tuyên ngôn của chủ nghĩa cộng sản khoa học, của chủ nghĩa nhân đạo hiện thực.
Thật vậy, Tuyên ngôn đã thực hiện một cuộc cách mạng sâu sắc nhất trong thế giới quan, trong quan niệm của nhân loại về xã hội. Chính là từ Tuyên ngôn mà một thế giới quan mới, thế giới quan khoa học đã được hình thành, trong đó bao hàm quan niệm duy vật về lịch sử với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của nó.
Tuyên ngôn đã vạch ra biện chứng khách quan của sự phát triển xã hội, đã chỉ ra rằng lịch sử của các xã hội có đối kháng giai cấp là “lịch sử đấu tranh giai cấp” mà rốt cuộc, sẽ dẫn tới sự thay thế một hình thái kinh tế - xã hội này bằng một hình thái kinh tế - xã hội khác, tiến bộ hơn.
Tuyên ngôn đã chỉ ra tính tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản, tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa và qua cuộc cách mạng đó, chủ nghĩa tư bản sẽ phải nhường chỗ cho một xã hội không có bóc lột, không có áp bức xã hội và áp bức nói chung – xã hội xã hội chủ nghĩa. “Thay cho xã hội tư bản cũ với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.
Tuyên ngôn cũng đã chỉ rõ rằng lực lượng xã hội có sứ mệnh thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội theo con đường cách mạng là giai cấp công nhân, giai cấp mà khi giải phóng mình cũng đồng thời giải phóng mọi người lao động khỏi áp bức, bóc lột. “Tất cả những phong trào lịch sử, từ trước đến nay, đều là do thiểu số thực hiện, hoặc đều mưu lợi ích cho thiểu số. Phong trào vô sản là phong trào độc lập của khối đại đa số, mưu lợi ích cho khối đại đa số. Giai cấp vô sản, tầng lớp ở bên dưới nhất của xã hội hiện tại, không thể vùng dậy, vươn mình lên nếu không làm nổ tung toàn bộ cái thượng tầng kiến trúc bao gồm những tầng lớp cấu thành xã hội quan phương”.
Với tất cả nội dung đó Tuyên ngôn đã trở thành văn kiện đầu tiên dưới hình thức hệ thống hóa trình bày học thuyết về chủ nghĩa cộng sản khoa học. Song, đây không chỉ và không đơn giản là một văn kiện lý luận mà còn là cương lĩnh đầu tiên của các đảng cộng sản và công nhân trên toàn thế giới. Với Tuyên ngôn thời đại của chủ nghĩa xã hội không tưởng đã kết thúc, thời đại của chủ nghĩa xã hội khoa học đã bắt đầu.
Có thể nói, không một sự kiện, một quá trình lịch sử có tính chất cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc nào trong thế kỷ XX mà lại không in đậm dấu ấn của phong trào cộng sản và công nhân của Cách mạng Tháng Mười, của hệ thống xã hội chủ nghĩa – là những trào lưu lịch sử dựa trên nền tảng tư tưởng Tuyên ngôn của Đảng cộng sản.
Một điều cần phải khẳng định là Đảng ta luôn luôn giữ được bản chất trong sáng nổi bật trong những quá trình đấu tranh ác liệt nhất. Điều cần phải làm sáng tỏ là những thắng lợi lớn mà Đảng ta đã giành được là do biết nắm được những yếu tố bản chất – khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê nin, gắn liền với tư tưởng truyền thống tốt đẹp, độc lập, tự chủ giải quyết các vấn đề của cách mạng nước ta. Thắng lợi ấy là cuộc Cách mạng Tháng Tám, hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, công cuộc đổi mới.
170 năm qua, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản với tính cách mạng và khoa học sâu sắc, không chỉ là ánh sáng soi đường cho những người cách mạng mà còn là bản “thiên cổ hùng văn”, có sức thuyết phục, cổ vũ hàng triệu triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất này đứng lên tự giải phóng. Tuyên ngôn không phải là những lời thuyết giáo trống rỗng, mà chính là cương lĩnh hành động cho mọi người cách mạng. Thấm nhuần tư tưởng của Tuyên ngôn là phải kiên quyết hành động đấu tranh cách mạng vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, dân tộc và con người. Nếu chỉ là những lời nói suông, mất đi dũng khí cách mạng, không dám kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng và hành động cơ hội, xét lại, phản động trong xã hội, trong Đảng và chính quyền thì dù có thuộc lòng Tuyên ngôn của Đảng cộng sản và chủ nghĩa Mác – Lênin cũng chỉ là điều vô bổ, không có chút ích lợi gì cho sự nghiệp cách mạng.
Thấm nhuần tư tưởng của Tuyên ngôn, hơn bao giờ hết là phải thực hiện cho bằng được lời dạy của Bác Hồ, mà Người nói là “ham muốn tột bậc” của mình là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Tất cả cán bộ, đảng viên “lời nói phải đi đôi với việc làm”. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
_Thanh Vân_