Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử > Bài đăng > 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung
110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Tô Hiệu sinh năm 1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Ông đi học từ năm lên 6 tuổi, nhà nghèo nhưng học rất chăm chỉ.

Những năm 1925 - 1926 ông theo học trường Pháp - Việt tại thị xã Hải Dương, tham gia phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh nên bị đánh trượt trong kỳ thi tiểu học. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới 14 tuổi. Bị thực dân Pháp bắt và kết án 4 năm tù, đầy đi Côn Đảo. Ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng tại nhiều địa phương.

Năm 1938, ông được Trung ương Đảng phân công phụ trách miền duyên hải Bắc kỳ, trực tiếp làm Bí thư Ban cán sự Đảng Hải Phòng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh được đẩy lên mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi cải thiện đời sống của công nhân các nhà máy xi măng, máy điện, máy tơ, máy nước… đạt kết quả. Điển hình là cuộc đấu tranh của 3.000 công nhân nhà máy tơ từ ngày 16 đến 22/4/1939 do Tô Hiệu trực tiếp chỉ đạo, bọn chủ đã phải giải quyết toàn bộ yêu sách của công nhân.

Ngày 30/5/1939, Tô Hiệu lãnh đạo cuộc đấu tranh chống thuế đèn, thuế nước. Cảnh sát Pháp đàn áp bắt 72 người, nhờ sự bảo vệ của anh em công nhân, ông trốn thoát. Thời gian này Tô Hiệu bị bệnh lao phổi nặng, sức khoẻ giảm sút. Xứ ủy yêu cầu nghỉ chữa bệnh nhưng ông vẫn thiết tha xin tiếp tục công tác. Ông tổ chức chỉ đạo báo “Chiến đấu” bí mật lưu hành ở Hải Phòng, số đầu tiên ra ngày 7/11/1939 (số đặc biệt kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga).

Tháng 12/1939, ông là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hải Phòng bị thực dân Pháp bắt trên đường đi in tài liệu, kết án 5 năm tù và đày lên nhà tù Sơn La. Được coi là thành phần cực kỳ nguy hiểm và lấy cớ bị bệnh lao phổi nên chúng giam riêng đồng chí tại một xà lim rộng gần 4m² bên cạnh hành lang đi tuần. Từ yêu cầu cấp bách phải thành lập một chi bộ cộng sản để lãnh đạo, tổ chức đấu tranh trong ngục tù, tháng 12/1939, Chi bộ lâm thời nhà tù được thành lập. Đến tháng 5/1940, Chi bộ  nhà tù Sơn La bí mật tổ chức Đại hội lần thứ nhất, quyết định các chủ trương công tác mới và bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư Chi bộ. Ông đã lãnh đạo anh em kiên trì đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, viết tài liệu, mở lớp chính trị, văn hóa giảng dạy cho bạn tù “biến nhà tù thành trường học” và đào tạo cán bộ cách mạng, tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng ở ngoài nhà tù.

Với tư cách là hạt nhân lãnh đạo quần chúng đấu tranh trong và ngoài nhà tù, Chi bộ nhà tù Sơn La đã quy tụ, đoàn kết được tuyệt đại đa số tù nhân; tổ chức dạy, huấn luyện quân sự; biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng; giáo dục, động viên, tổ chức mọi người đấu tranh, làm thất bại nhiều âm mưu, hành động tàn bạo của kẻ thù. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, cung cấp cán bộ ưu tú cho Đảng trước mắt và lâu dài, cũng như tuyên truyền, vận động thức tỉnh đồng bào các dân tộc Sơn La và cả vùng Tây Bắc đứng lên đấu tranh, khởi nghĩa giành chính quyền.            

Tháng 5/1941, đồng chí Tô Hiệu và Chi bộ nhà tù Sơn La đã quyết định xuất bản tờ báo Suối Reo. Đây là một sự kiện lớn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, cổ vũ động viên anh em tù nhân ở nhà tù Sơn La. Tờ báo ra đời trong điều kiện hoạt động bí mật, viết bằng tay. Nội dung phản ánh các nội dung sinh hoạt của tù nhân trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ tù đày hà khắc của chính quyền thực dân, thể hiện tinh thần, khí phách hiên ngang của người tù cộng sản với lời:

“Thu sang hoa cỏ già rồi

 Suối Reo lên để cho đời trẻ trung

 Thu sang non nước lạnh lùng

 Suối Reo lên để cho lòng ta reo...”            

Tháng 2/1944, do sức khỏe của đồng chí Tô Hiệu quá yếu, nên các đồng chí trong Chi bộ đã đấu tranh với bọn cai ngục xin đưa đồng chí vào ở trong một kho xép gần Trại ba gian để tiện chăm sóc và để đồng chí được gần gũi với anh em trong những ngày cuối đời.           

Lúc 10 giờ 15 phút, ngày 7/3/1944, trong vòng tay đồng chí, anh em, đồng chí Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng khi tròn 32 tuổi. Trước khi ra đi, đồng chí đã để lại bức di chúc gửi Chi bộ nhà tù Sơn La, với nội dung phân tích tình hình thế giới cũng như trong nước; nêu sự tất thắng của cách mạng và động viên đồng đội ở lại giữ vững tinh thần đấu tranh, chiến đấu cho đến ngày cách mạng thành công. Đồng chí Tô Hiệu mất, trong niềm tiếc thương vô hạn, Chi bộ nhà tù đã kịp thời chỉ đạo anh em đi lao động bên ngoài nhà tù khắc tấm bia đá có chữ “Tô Hiệu”, bí mật đặt dưới mộ của đồng chí. Nhờ đó, năm 1980 khi khai quật nghĩa địa Gốc Ổi đã xác định chính xác phần mộ của liệt sỹ Tô Hiệu.           

Mười tám năm hoạt động cách mạng, với bản lĩnh chính trị kiên cường, nắm bắt sắc bén tình hình thời sự, giải quyết công việc thận trọng, chính xác, phẩm chất trong sáng, chí công vô tư, tận tụy, đồng chí Tô Hiệu đã dìu dắt, động viên đồng chí, đồng đội trong “địa ngục trần gian” của thực dân, giữ vững khí tiết, chiến thắng kẻ thù. Người Bí thư Chi bộ mẫu mực, người lãnh đạo xuất sắc trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

 

Cúc Nguyễn

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.