Bỏ qua nội dung chính

Ngược dòng lịch sử

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Ngược dòng lịch sử > Bài đăng > Vai trò của Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa trong Khởi nghĩa Nam kỳ và Cách mạng tháng Tám 1945
Vai trò của Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa trong Khởi nghĩa Nam kỳ và Cách mạng tháng Tám 1945

Sự ra đời của Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa năm 1937, là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, đã góp phần thức tỉnh và tập hợp được những lực lượng tiềm tàng, tạo được thế đứng trong nhân dân lao động, xây dựng được một đội quân chính trị hùng hậu,… góp phần giành thắng lợi quan trọng trong Khởi nghĩa Nam kỳ và Cách mạng tháng Tám 1945.

Đầu Thu năm 1939, thực dân Pháp quay lại thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Chúng ra sức truy lùng, bắt giữ những người hoạt động chính trị, ban bố lệnh tổng động viên, tăng cường vơ vét sức người, sức của để phục vụ chiến tranh đế quốc. Cuối năm đó, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng ở Biên Hòa, thực dân Pháp và bọn tay sai bắt giữ nhiều cán bộ của Đảng giam giữ ở các nhà tù trong và ngoài tỉnh. Chúng đàn áp, bắt giữ cả những quần chúng tiến bộ, những người phụ trách các Hội, đoàn Ái hữu…, tập trung lực lượng đánh phá ác liệt các xã Bình Ý, Bình Phước, Tân Triều…

 

 

Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ, Tỉnh ủy Biên Hòa đã có kế hoạch đưa các tổ chức, cán bộ hoạt động công khai vào bí mật, hoạt động dưới hình thức bán hợp pháp và bí mật, chuyển trọng tâm công tác, xây dựng cơ sở ở nông thôn và thay đổi các hình thức, phương pháp công tác ở vùng đô thị cho thích hợp với tình hình mới..

Tháng 7 năm 1940, tại núi rừng Tân Uyên, thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, Tỉnh ủy Biên Hòa quyết định thành lập đội vũ trang để chuẩn bị cho việc khởi nghĩa. Một đội vũ trang có khoảng 35 người được thành lập do đồng chí Huỳnh Liễng là Tỉnh ủy viên phụ trách và đồng chí Trần Văn Quỳ (Chín Quỳ) chỉ huy trực tiếp để chờ thời cơ. Lực lượng này chính là tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo. Ở Biên Hòa, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương, sôi nổi nhất là ở một số nơi thuộc quận Tân Uyên và Châu Thành. Các đồng chí trong Tỉnh ủy và một số đảng viên khác len lỏi về các quận, các xã chỉ đạo chi bộ, các cơ sở cốt cán ở địa phương chuẩn bị lực lượng phát động quần chúng khởi nghĩa.

Trước sự đàn áp, khủng bố dã man của chính quyền thực dân, phong trào cách mạng ở vùng thị trấn, nông thôn ở Biên Hòa tạm thời phải lắng xuống. Trong khi đó, ở các đồn điền cao su, được các đảng viên lãnh đạo, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đã diễn ra. Có nhiều cuộc đấu tranh thu hút đông đảo công nhân tham gia. Giai đoạn (1941 – 1943) là thời kỳ lãnh đạo khó khăn của Đảng bộ Nam bộ, Xứ ủy và các liên Tỉnh ủy bị phá vỡ và lập đi lập lại nhiều lần. Phần lớn cán bộ, đảng viên bị địch bắt, cầm tù, số còn lại phải chuyển vùng, lánh về nông thôn, các đồn điền cao su … để ẩn náu, tạo dựng cơ sở để khôi phục phong trào cách mạng.

 

 

Năm 1943, lợi dụng mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và phát xít Nhật, nhiều đảng viên do thực dân Pháp khủng bố trước đây phải đi lánh nơi khác nay đã trở lại Biên Hòa để hoạt động và gây dựng cơ sở, khôi phục phong trào cách mạng. Từ giữa năm 1943, các đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, Phạm Văn Thuận, Phạm Văn Búng, Hồ Văn Đại, Huỳnh Văn Lũy, Nguyễn Văn Ký, Phạm Văn Khoai,… đã móc nối liên lạc với nhau, bước đầu hình thành các nhóm, các tổ chức Việt Minh ở một số địa phương thuộc quân Tân Uyên, Châu Thành, Long Thành, trung tâm tỉnh lỵ Biên Hòa. Đồng chí Hoàng Minh Châu, nguyên Bí thư Chi bộ Bình Phước - Tân Triều lại được liên Tỉnh ủy miền Đông cử về Biên Hòa. Cũng trong thời gian này, nhiều chi bộ Đảng được thành lập ở các xã như Tân Triều, Bình Ý (quận Châu Thành), Mỹ Lộc (Tân Uyên); chi bộ Nhà máy cưa BIF; chi bộ thợ máy; chi bộ quận Xuân Lộc, chi bộ đồn điền cao su Cuộc Tơ Nay (Cẩm Mỹ)…

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương. Ở Biên Hòa, bộ máy thống trị của Pháp cơ bản lọt vào tay phát xít Nhật. Từ cuối tháng 3 năm 1945, cách mạng Việt Nam đã chuyển lên cao trào, những cuộc khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương miền Bắc, các căn cứ địa cách mạng được thành lập. Tại Nam bộ, nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên bị giặt bắt giam đã thoát khỏi nhà tù trở về các địa phương hoạt động, chắp nối lại với các đồng chí còn lại, nhanh chóng khôi phục lại tổ chức đảng, khôi phục phong trào cách mạng. Các nhóm cộng sản ở Biên Hòa bắt đầu có sự liên lạc, kết hợp với nhau và đều ra sức phát triển tổ chức, mở rộng cơ sở, ráo riết chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.

Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám (19/8/1945) giành thắng lợi rực rỡ ở thủ đô Hà Nội đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng đang sôi sục, động viên cả nước cùng đứng lên cướp chính quyền. Sáng sớm ngày 24 tháng 8 năm 1945 tại Biên Hòa, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng cơ sở, lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ Nhà máy cưa BIF, ga xe lửa Biên Hòa và hầu hết các công sở ở Tỉnh lỵ. Ở các xã, bọn tề tổng hầu hết bỏ việc, bộ máy chính quyền tay sai hầu như bị tan rã.

Sau đó một ngày, chuyến xe lửa đầu tiên từ ga Biên Hòa đã đưa hơn 500 đại biểu về Sài Gòn tham gia cướp chính quyền. Khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn đã có ảnh hưởng quyết định đối với khởi nghĩa ở các tỉnh phía Nam. Sau đó, hàng trăm đồng bào ở nội ô thị xã Biên Hòa dưới sự hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa đã kéo đến bao vây Tòa bố Biên Hòa (nay là khuôn viên Văn phòng khối Nhà nước tỉnh), treo lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên tại dinh Chủ tỉnh. Đông đảo đồng bào tập trung trước Tòa bố reo hò vang dội. Trưa cùng ngày, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Quý cùng các viên chức đứng đầu các công sở trong tỉnh đã bàn giao chính quyền cho cách mạng.

Cùng với khí thế chung của cả nước, Đảng bộ Biên Hòa đã lãnh đạo nhân dân cùng làm cuộc Cách mạng tháng Tám ở địa phương thành công rực rỡ. Từ những ngày đầu thành lập với những “hạt giống đỏ” của Chi bộ Bình Phước – Tân Triều, Đảng bộ Biên Hòa ngày càng phát triển lớn mạnh. Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa được thành lập là một bước ngoặt của phong trào cách mạng địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa, phong trào đấu tranh cách mạng dân sinh dân chủ trong tỉnh đã liên tục phát triển dưới nhiều hình thức và quy mô lớn, thật sự là phong trào của nhân dân - một bước tập dượt hết sức quan trọng với Đảng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào cách mạng; nâng cao trình độ giác ngộ chính trị và lòng yêu nước của quần chúng nhân dân. Dù gặp không ít khó khăn, trải qua nhiều mất mát, hy sinh, được sự ủng hộ của đại quần chúng nhân dân, Đảng bộ Biên Hòa với nhiều đảng viên nòng cốt, giàu lòng yêu nước đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành vai trò, xứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn này và cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân và đế quốc để giải phóng dân tộc.

Trải qua 85 năm hoạt động lãnh đạo cách mạng vô cùng phong phú, từ Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa, nay là Đảng bộ tỉnh Đồng Nai luôn đấu tranh kiên cường, lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, truyền thống quật cường cách mạng của quê hương “miền Đông gian lao mà anh dũng”, góp phần xứng đáng cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong các giai đoạn cách mạng./.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.