75 năm trước, ngày 01/3/1948 trận đánh La Ngà đã diễn ra và giành thắng lợi to lớn, gây chấn động dư luận trong và ngoài nước. Bằng sự huy động tài tình sức mạnh tổng hợp từ địa thế, từ lòng dân, Chi đội 10 (do đồng chí Hoàng Minh Chánh chỉ huy) đã tiêu diệt đoàn xe của thực dân Pháp từ Sài Gòn đi Đà Lạt trên quốc lộ 20, đoạn La Ngà – Định Quán. Chiến thắng La Ngà đã tạc vào lịch sử dân tộc, như một mốc son chói lọi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về khả năng đánh và thắng địch của quân dân kháng chiến Biên Hoà – Đồng Nai.
La Ngà hay còn gọi là La Nhà, La Nha (đọc theo tên Lagna mà người Pháp ghi trên bản đồ) là tên một con sông, một cây cầu, một phụ lưu của sông Đồng Nai nằm cách Sài Gòn 101 cây số, ở quãng sông La Ngà chảy qua quốc lộ 20 nối lên cao nguyên Đà Lạt. Đây là con đường chiến lược quan trọng, một mặt nối liền Sài Gòn với Tây Nguyên (Đà Lạt) sang Hạ Lào và Trung Lào, mặt khác thông ra quốc lộ 1 và các cửa biển. Địa hình khu vực này rất thuận lợi cho đánh phục kích.
Sau Chiến thắng Việt Bắc (đầu năm 1948), thực dân Pháp chuyển hướng chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang đánh lâu dài, thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Việt đánh người Việt”, âm mưu lập chính phủ bù nhìn đưa Bảo Đại về làm Quốc trưởng, rút bớt quân ở chiến trường Bắc Bộ về bình định chiến trường Nam Bộ. Địch tập trung càn quét đánh phá cơ sở của ta, mở rộng vùng chiếm đóng quanh các đô thị và các trục đường giao thông, xây dựng các hệ thống đồn bót... Trên tuyến quốc lộ 20 từ Sài Gòn đi Đà Lạt hàng tuần thường có hai chuyến xe từ Sài Gòn đi Đà Lạt và ngược lại. Đoàn xe địch thường di động từ 50 đến 70 chiếc, trong đó có nhiều xe tải tư nhân chở hành khách, hàng hoá, mỗi chuyến xe chúng thường bố trí một vài đại đội đi hộ tống. Chúng coi đây là con đường an toàn, ít đề phòng.
Trên chiến trường cả nước nói chung, chiến trường Nam Bộ nói riêng vào thời điểm này, lực lượng vũ trang ta đã phát triển mạnh. Trước, sau ngày Toàn quốc kháng chiến, các chi đội giải phóng quân, các liên quân lần lượt ra đời đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến. Chi đội 10 - Lực lượng vũ trang Khu 7 được thành lập từ tháng 6/1946 lấy từ các đơn vị vệ quốc đoàn Long Thành - Biên Hoà gồm 3 đại đội: A, B, C có lúc quân số lên đến 1.100 người, hơn 400 tay súng do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ làm chi đội trưởng. Liên quân 17 được thành lập tháng 02/1947, đây là lực lượng đặc nhiệm lấy từ các chi đội 12, 6 do đồng chí Lâm Quốc Đăng làm chỉ huy trưởng, hoạt động ở Hóc Môn, Bến Cát, Gò Vấp (quân số khoảng 250 người). Ngoài ra, còn có lực lượng du kích Xuân Lộc, Biên Hòa.
Thực hiện chủ trương của Khu Bộ khu 7, phải đánh một trận quy mô lớn, giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của Pháp trên chiến trường Khu 7, gây khí thế, tạo đà cho phong trào kháng chiến phát triển. Tháng 01/1947 trong khi đi nghiên cứu địa hình chuẩn bị trận đánh phục kích Đồng Xoài, các đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, Tư lệnh phó Khu 7 kiêm Chi đội trưởng Chi đội 10 cùng đồng chí Huyện đội trưởng Xuân Lộc qua vùng La Ngà - Định Quán đã hình thành ý định tổ chức một trận đánh tại khu vực này...
Đây là trận đánh giao thông đầu tiên tập trung toàn Chi đội 10 Biên Hòa (tương đương với một trung đoàn ngày nay). Xa căn cứ địa (từ chiến khu Đ đến điểm phục kích 80 km), do đó công tác chuẩn bị và bảo đảm vật chất được ban chỉ huy chi đội tổ chức rất chu đáo và công phu. Từ cuối năm 1947, trinh sát chi đội đã phải bám sát quốc lộ 20 nắm chắc quy luật di chuyển của các đoàn công voa Pháp trên tuyến đường Sài Gòn - Đà Lạt từ số lượng xe đến thời gian tốc độ di chuyển. Nhân dân, công nhân cao su Xuân Lộc, Biên Hòa phải huy động hàng chục tấn lương thực, xây kho bãi dự trữ phục vụ hàng ngàn chiến sĩ từ 7 đến 10 ngày. Các đội du kích Châu Thành (Biên Hòa) được phân công nhiệm vụ sẽ tập kích quấy phá trên đoạn quốc lộ 1 từ Hố Nai đến Dầu Giây buộc đoàn xe địch phải đi chậm lại, lọt vào trận địa phục kích theo kế hoạch thời gian của ban chỉ huy chi đội đặt ra.
Ngày 26/2/1948, Chi đội 10 Biên Hòa và liên quân 17 của Khu 7 hành quân từ Chiến khu Đ về quốc lộ 20. Ngày 29/01 toàn lực lượng đã chiếm lĩnh trận địa ở những điểm cao phía Tây quốc lộ 20 để chặn đánh đoàn xe quân sự Pháp đi dự hội nghị quân chính ở Đà Lạt (theo tin tình báo từ nội thành Sài Gòn). Tuyến phục kích dài 9 km, từ cây số 94 đến cây số 103 được tổ chức thành ba trận địa A, B, C. Các trận địa đều chôn mìn trên đường và liên lạc với nhau bằng máy vô tuyến. Trận địa giả được lập ở Suối Cát (Đông lộ 20) để thu hút lực lượng địch lên phản kích sở chỉ huy trận đánh đặt ở đồi 100 cây số 107.
Sáng ngày 01/3/1947, đoàn xe quân sự Pháp gồm 70 chiếc có thiết giáp mở đường từ Sài Gòn đi Đà Lạt. Do phải tháo gỡ chướng ngại vật và đối phó với du kích của ta, đoàn xe đến La Ngà trễ hơn 3 giờ theo kế hoạch của chúng. 15 giờ 2 phút, đoàn xe địch lọt vào trận địa A. Chiếc thiết giáp đi đầu trúng mìn lật nhào, 2 xe bộ binh đi sau bị tan xác. Do mất thông tin, đoàn xe địch cứ nối đuôi nhau tiến sâu vào trận địa. Mìn ở trận địa C nổ khóa đuôi đoàn xe cũng là lúc toàn lực lượng xung phong lên mặt đường tấn công quyết liệt, kêu gọi địch đầu hàng và truy kích bọn lính lê dương trốn chạy. 15 giờ 57 phút, trận đánh kết thúc. 59 xe trong tổng số 70 xe bị phá hủy, 150 lính lê dương và 25 sĩ quan Pháp bị chết, trong đó có 2 đại tá.
La Ngà là trận đánh giao thông phục kích tiêu diệt đoàn xe Pháp lớn nhất ở chiến trường miền Đông bấy giờ. Ngoài thắng lợi về mặt quân sự, Chiến thắng La Ngà mang ý nghĩa chính trị to lớn. Số hành khách Sài Gòn đi theo đoàn xe được bộ đội ta đưa về an toàn, giúp lương thực và hôm sau đưa ra đón xe về lại Sài Gòn đã rất khâm phục thái độ cao thượng và tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng.
Chiến thắng La Ngà ngày 01/3/1948, là một minh chứng hùng hồn cho sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến Biên Hòa và miền Đông Nam bộ; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang miền Đông cả về chiến lược và chiến thuật; làm nức lòng quân dân ta, từ đó mở ra hàng loạt chiến công vang dội khác.
Tại Chiến khu Việt Bắc, ngay sau khi nhận được tin chiến thắng, Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng II cho các lực lượng vũ trang tham gia trận đánh và phát động toàn quân học tập theo gương các chiến sĩ La Ngà. Chiến thắng La Ngà không chỉ là tiếng vang về chính trị, cổ vũ quân dân ta nói chung mà còn để lại những bài học rất đáng trân trọng về tổ chức chỉ huy, về vận động chiến thuật và cách đánh...
Ngày nay, tại chiến trường năm xưa (La Ngà ngày nay thuộc xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), Di tích Chiến thắng La Ngà với Tượng đài chiến thắng được xây dựng lên để khắc ghi công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của quân dân miền Đông Nam bộ trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Nơi đây không chỉ là địa chỉ đỏ thiêng liêng, lưu dấu những chiến tích hào hùng của cha anh, mà còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng La Ngà (1948-2023), là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các chiến sĩ, đồng bào miền Đông Nam bộ; khẳng định khát vọng hoà bình, độc lập, tự do của nhân dân ta; khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc ta; góp phần giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, cống hiến sức trẻ vào công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước.
Nguyễn Mai