18/06/2015

Vũ Khiêu. Học tập đạo đức Bác Hồ / Vũ Khiêu. – H. : Chính trị quốc gia, 2014. – 174 tr. ; 21 cm.
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo ra những chuyển biến trong ý thức tu dưỡng, rèn luyện và hành động theo tấm gương của người, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, chính trị, lối sống và các tệ nạn xã hội; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; giáo dục và hướng con người tới cái chân – thiện – mỹ. Thư viện tỉnh Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Học tập đạo đức Bác Hồ”, nội dung tài liệu gồm ba chương:
Chương I: Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Chương II: Nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
Chương III: Những vấn đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong sự nghiệp của nhân dân ta ngày nay.
Nội dung tài liệu được tác giả trình bày ngắn gọn, súc tích, bố cục hợp lý, văn phong mạch lạc, trong sáng, giản dị mà màu sắc, đan xen những mẩu chuyện hết sức chân thực, sinh động, đem lại cho bạn đọc những thu hoạch bổ ích, những cảm nhận mới trong cuộc sống.

Trần Quân Ngọc. Bác Hồ với văn nghệ / Trần Quân Ngọc. - Tp.Hồ Chí Minh : Nxb. Tp. Hồ Chí Minh , 2014. - 192 tr. ; 21 cm
Tác phẩm tổng hợp một số bài nghiên cứu gần đây nhất của tác giả về Bác Hồ với văn nghệ, gồm những câu chuyện kể về những phẩm chất cao đẹp, trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số hàng trăm cuốn sách, hàng ngàn bài viết của bạn bè quốc tế và của những người không có cùng chính kiến với chúng ta, tác giả lựa chọn và giới thiệu với bạn đọc một số câu nói, lời viết về Hồ Chí Minh đặc biệt những bài viết, hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ với hội hoạ, âm nhạc, cách viết chữ Quốc ngữ, thơ ca, dân tộc thiểu số...để chúng ta thấy rõ hơn mức độ ảnh hưởng của Người đối với đời sống chính trị và xã hội của thế giới...
Kèm theo những bài viết là nhiều tấm ảnh quý hiếm như: ảnh Bác Hồ với đồng chí Xtaxo6va – nguyên Chủ tịch Quốc tế Cứu tế Đỏ, người bạn chiến đấu lâu năm của Lê Nin, người góp phần giúp Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù của đế quốc Anh tại Hồng Kông năm 1933; ảnh một số công trình mang tên Hồ Chí Minh tại Mátxcơva, nước Nga và Liên bang Xô Viết; ảnh Bác Hồ chơi ghita;… Hy vọng tài liệu sẽ cung cấp thêm cho các bạn đọc những thông tin bổ ích trong quá trình tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nhà cách mạng vĩ đại được nhân dân toàn thế giới quý trọng sâu sắc.

Tinh thần yêu nước của Bác Hồ / Trần Thị ngân sưu tầm và biên soạn. – H. : Mỹ thuật, 2015. – 150 tr. ; 24 cm. (Những câu chuyện về Bác Hồ)
Việt Nam có quyền kiêu hãnh và tự hào vì chúng ta có một lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh là ngọn đèn pha chói lọi soi đường, chỉ lối cho toàn Đảng, toàn dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tuy Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng của người. Tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân của sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo.
Cuốn sách tập hợp 15 câu chuyện kể về tinh thần yêu nước của Bác Hồ nhằm tuyên truyền sâu rộng tư tưởng, đạo đức cách mạng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác. Ngoài ra tác phẩm còn giới thiệu đến bạn đọc những bài nói, bài viết, thư… của Người cũng như tư tưởng của Người về phát triển tinh thần yêu nước, về giáo dục tình yêu nước cho thanh niên, và tinh thần quốc tế trong sáng...
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần:
Phần thứ nhất: Những câu chuyện về tinh thần yêu nước của Bác Hồ
Phần thứ hai:Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần yêu nước
Phần thứ ba: Một số bài viết, bài nói, thư,…của Bác Hồ về tinh thần yêu nước

Sông Lam. Bác Hồ với thủ đô: Hỏi và đáp / Sông Lam. – H. : Thanh niên, 2014. – 219 tr. ; 19 cm.
Sinh thời. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tấm lòng trân trọng, mối quan tâm sâu sắc giàu tình nhân ái và những mong muốn thiết tha về Hà Nội. Kể từ khi Cách mạng tháng tám thành công, Bác Hồ luôn gắn bó với mảnh đất Thủ đô. Tháng 8 năm 1945, từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, tại căn nhà 48 phố Hàng Ngang, Người đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đầu năm 1947, Bác Hồ tạm rời Thủ đô, lên căn cứ Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 15-10-1954, Người tiếp tục trở về Thủ đô Hà Nội tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà
Ngay trong những năm chiến tranh ác liệt dưới bom đạn Mỹ, Bác Hồ vẫn hàng ngày chăm cá, chăm cây, vui với các cháu thiếu nhi và bàn việc nước bên ngôi nhà sàn giản dị trong vườn cây trái sum suê ở giữa lòng Thủ Đô. Tính từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã có hơn 70 bài viết riêng về địa danh và con người Hà Nội, đặc biệt là Bác rất quan tâm đến nhân dân ngoại thành. Đồng thời, Người cũng luôn xác định vị trí đầu tàu, gương mẫu của Hà Nội mà “Cả nước hướng về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Người mong muốn làm sao để cho Hà Nội “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Với mong muốn đồng hành cùng bạn đọc tìm hiểu về những giai đoạn lịch sử Bác Hồ kính yêu đã sinh sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội một cách tiện lợi nhất, dễ dàng nhất, Thư viện Đồng Nai xin giới thiệu đến quý độc giả tác phẩm: Bác Hồ với Thủ đô – Hỏi và đáp. Tài liệu gồm những câu hỏi và trả lời về những giai đoạn Bác đã sinh sống và làm việc nhằm cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Bác tại Thủ đô Hà Nội.

Nguyễn Đức Quý. Theo dấu chân Bác Hồ / Nguyễn Đức Quý. – H. : Chính trị quốc gia, 2014. – 226 tr. ; 21 cm.
Với truyền thống yêu nước nồng nàn, nhân dân ta đã liên tiếp đứng lên chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và bọn phong kiến tay sai ở khắp mọi nơi… Nổi bật nhất là người con ưu tú nhất Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh cũng vậy! con người, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động chính trị của Người là một chỉnh thể kết tinh những gì ưu tú, tốt đẹp nhất của trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm và bản sắc văn hóa Việt Nam. Tấm gương đó sẽ định hướng cho hành động và tiếp thêm sức mạnh tinh thần, là sự cổ vũ lớn lao cho toàn Đảng, toàn dân ta vượt khó vươn lên giành được những thắng lợi trong thế kỷ XXI.
Để bạn đọc hiểu sâu sắc và đầy đủ hơn những bước đường Bác đi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, hiểu rõ hơn con người giản dị, trong sáng nhưng đầy khí phách anh hùng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Đồng Nai giới thiệu cuốn sách “Theo dấu chân bác Hồ”. Nội dung tác phẩm tập hợp những câu chuyện kể của những con người may mắn được sát cánh cùng Bác trong những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ, đã ghi lại các sự kiện quan trọng. Mỗi câu chuyện đi bảo vệ Bác là một kỷ niệm đáng tự hào, chuyện kể rất gần gũi, đời thường đã được tuyển chọn kỹ lưỡng, đây sẽ là nguồn tư liệu phong phú và mới mẻ, cung cấp thêm những thông tin hữu ích và thiết thực đến mọi thế hệ người dân Việt Nam, những người đang sống và làm việc theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại.

Hồng Khanh. Phong cách Bác Hồ đến cơ sở / Hồng Khanh. – H . : Chính trị quốc gia, 2014. – 145 tr. ; 21 cm.
Chủ tịch Hồ Chính Minh là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng, người cộng sản vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới nhưng đồng thời cũng là một con người bình dị, gần gũi, ai cũng có thể học và làm theo. Trong đời sống hàng ngày ngoài những lúc làm việc và tiếp khách, bác thường tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ chiến sĩ và đồng bào các địa phương để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Điều đó đã trở thành một nhu cầu, một nếp sống, trở thành điều tâm niệm suốt đời của người.
Mỗi người dân Việt Nam đều giữ trọn trong trái tim mình hình ảnh Bác Hồ trong bộ quần áo bình dị, lội ruộng với nông dân, cùng tát nước chống hạn, cùng cuốc đất đẩy xe với người lao động. Mỗi khi đi thăm các cơ sở, Người không cho báo trước. Người muốn biết thực chất tình hình của cơ sở, chứ không chỉ nghe qua báo cáo. Khi xuống đến cơ sở, điều quan tâm đầu tiên của Người là xem nơi ăn chốn ở, nhà tập thể, nhà vệ sinh trước rồi mới ra hội trường nói chuyện với mọi người. Tác phong sâu sát, tỷ mỷ, cụ thể thiết thực của Người là mẩu mực của phong cách người lãnh đạo, người “đầy tớ của nhân dân”. Bác đến với mọi người một cách rât tự nhiên và bình dị. Mọi nghi thức đối với Người đều trở thành không cần thiết.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, học tập và làm theo phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh. Thư viện tỉnh Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách: Phong cách Bác Hồ đến cơ sở của nhà báo Hồng Khanh – Nguyên ủy viên Ban Biên tập báo Nhân dân.
Thông qua lời kể của các đồng chí nhiều năm được sống và làm việc cùng Bác, tác giả đã ghi lại những câu chuyện Bác Hồ đi thăm cơ sở, từ lên mặt trận, ra cánh đồng, vào xưởng máy, dự lớp học đến vui đón tết. Mỗi câu chuyện đều thể hiện phong cách giản dị, gần gũi những lại rất tinh tế. Lối sống tác phong quần chúng của Bác luôn là chuẩn mực nhân cách con người cách mạng nhưng lại không xa lạ với mỗi con người bình thường, mà ai cũng có thể soi mình học tập noi theo.

Hồ Chí Minh chân dung đời thường / Phạm Thị Thu sưu tầm và biên soạn. - H. : Mỹ thuật, 2014. – 152 tr. ; 24 cm. - (Những câu chuyện về Bác Hồ).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Cả cuộc đời Người đã hi sinh cho sự nghiệp cách mạng, cho dân tộc độc lập, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân và cho toàn nhân loại. Người dành tất cả tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí, con cháu, già, trẻ, gái, trai.
Với 70 câu chuyện được sưu tầm tuyển chọn theo các nội dung: Bác Hồ - Con người và phong cách; Tài ứng khẩu, những chuyện vui đời thường của Bác Hồ; Tình yêu thương giản dị mà nồng nàn của Bác, cuốn sách giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống đời thường của Bác Hồ - một con người rất đỗi gần gũi, giản dị, thân thương, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì tương lai cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mỗi câu chuyện trong tập sách là một món quà quí giá góp phần giáo dục tư tưởng, hướng chúng ta học tập và rèn luyện suốt đời, noi gương đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam / Lê Ngọc Thắng, Vũ Minh Anh, Nguyễn Tuệ Minh (biên soạn). – H. : Văn hóa dân tộc, 2014. – 145 tr. ; 24 cm.
Thế giới tôn vinh Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, nhân dân ta gọi Người là Cha là Bác. Người vừa vĩ đại, lớn lao lại bình dị mà gần gũi. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời của một người cộng sản chân chính trọn đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân; là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết, nhân ái, thương dân; là mẫu mực về đạo đức cách mạng, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta, nhân dân ta trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay.
Nhằm khẳng định những giá trị to lớn trong tư tưởng, đạo đức, niềm tin yêu, lòng biết ơn vô hạn của đồng bào các dân tộc Việt Nam đối với Bác Hồ qua đó động viên nhân dân tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của người. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Bác Hồ trong trái tim các dân tộc Việt Nam”. Có thể nói mỗi bước chân, mỗi hoạt động cách mạng của Người đều in dấu trong lịch sử cách mạng Việt Nam, có ảnh hưởng lớn và mang tính quyết định đối với mỗi bước ngoặt của cách mạng nước ta. Nội dung cuốn sách là tập hợp những sự kiện, những hình ảnh nổi bật và những công lao to lớn, tình thương yêu vô bờ mà Bác đã dành cho đồng bào các dân tộc.

Bác Hồ ở Tân Trào / Phạm Thị Thùy Ninh sưu tầm và biên soạn. - H. : Mỹ thuật, 2014. – 112 tr ; 24 cm. – (Những câu chuyện về Bác Hồ).
Tân Trào là vùng đất lịch sử gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng và nhân dân ta chuẩn bị đứng lên lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật và tay sai, giành độc lập dân tộc. Các sự kiện lịch sử diễn ra ở Tân Trào trước Cách mạng tháng Tám tuy chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945) nhưng có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu hơn về địa danh Tân Trào – Thủ đô của Khu giải phóng cũng như quá trình sống và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nơi đây trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Thư viện tỉnh Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Bác Hồ ở Tân Trào”.
Nội dung sách bao gồm ba phần:
Phần thứ nhất: Tân Trào – Thủ đô của khu giải phóng
Phần thứ hai: Một số bài viết và truyện kể về Bác Hồ ở Tân Trào
Phần thứ ba: Một số bài thơ, hình ảnh của Bác Hồ trong thời gian sống và làm việc tại Tân Trào.

Bác Hồ nhà báo cách mạng / Phạm Thị Thu sưu tầm và biên soạn. – H. : Mỹ thuật, 2014. – 136 tr. ; 24 cm. – (Những câu chuyện về Bác Hồ).
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nhà báo uyên thâm, lỗi lạc và tài hoa. Những tác phẩm báo chí của Người là những bài luận chiến hùng hồn, mẫu mực, có sức đi sâu vào quần chúng, thức tỉnh lòng người. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không viết sách dạy lý luận báo chí, song phương thức làm báo và phương thức sử dụng báo chí của người là một hệ thống quan điểm mang tính kinh điển về báo chí cách mạng.
Người coi báo chí là công cụ sắc bén để phò chính trừ tà, bảo vệ và phát triển cái chính nghĩa, cái trung thực, cái đúng đắn và đấu tranh với những hành vi ăn cướp, thực dân và bóc lột, đấu tranh với những suy thoái, thất đức, bất nhân… Báo chí Hồ Chí Minh là báo chí cách mạng, báo chí phục vụ và phụng sự sự nghiệp của Đảng, của nhân dân, của dân tộc.
Để giúp đông đảo quý bạn đọc hiểu hơn quan điểm, tư tưởng về báo chí của Bác, về hoạt động viết báo của Bác trong suốt sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, về các tác phẩm, bài viết của Người đăng trên báo, tạp chí trong và ngoài nước, Thư viện tỉnh Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “Bác Hồ nhà báo cách mạng” do nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành.
|
|
|
|
|