|
10/12/2019
Từ ngàn xưa, lòng nồng nàn yêu nước là một truyền thống quý báu của người Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Biết bao nhiêu người đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Rồi khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, cùng nhau đi lên chủ nghĩa xã hội thì chúng ta lại càng phải bắt buộc tiến hành các cuộc chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây – Nam và biên giới phía Bắc. Nhờ phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả mà quân và dân ta triệu người như một, hướng theo lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ đã liên tiếp đánh bại các thế lực ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và làm trọn nghĩa vụ Quốc tế vẻ vang. Chúng đã kiên cường bảo vệ đất trời Việt Nam, xây dựng đất nước.
Thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đền ơn đáp nghĩa, tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/5019) Thư viện Đồng Nai xin giới thiệu tác phẩm “ký ức người lính” của nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành.
Công trình sách “Ký ức người lính”, góp phần quan trọng vào việc ghi lại, kể lại những ký ức, kỷ niệm sâu sắc trong các cuộc kháng chiến thần thánh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc của những con người đã làm nên chiến công lừng lẫy đó là những cán bộ chiến sỹ thuộc nhiều quân chủng, binh chủng trên chiến trường: Bình Trị Thiên – Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Tây Nguyên, Nam Bộ, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Đoàn tàu không số trên biển, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến tranh biên giới phía Bắc, … bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, lực lượng dân quân, du kích, tự vệ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến … đã không tiếc xương máu, tất cả vì tiền tuyến, vì lòng yêu nước nồng nàn, tất cả để đánh quân xâm lược. Bên cạnh đó, chúng ta thấy rõ được những hành động anh hùng quả cảm, những chiến công vang dội của những vị anh hùng dân tộc như: Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp; chiến công bắn rơi tại chỗ B-52 của anh hùng Phạm Tuân; anh hùng Đỗ Văn Sạn – chính trị viên gắn bó với đoàn tàu không số;.... Đó còn là những hồi ức xúc động, giàu tính đồng chí, đồng đội, tình quân dân; tình nghĩa quốc tế sâu đậm của Việt Nam với Lào, Campuchia; là chiến công thầm lặng của những bà mẹ Việt Nam Anh hùng và của bao người dân không quản gian nan để hy sinh che chở cho các cán bộ, bộ đội đánh thắng kẻ địch.
Tác phẩm là một tổng kho tư liệu rất giá trị. Là bản trường ca bất tận về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong các cuộc trường chinh đầy hy sinh, thử thách và rực rỡ chiến công; là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc biệt, góp phần công tác giáo dục cho thế hệ người Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của cha ông, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời, qua các thiên hồi ký, bút ký đầy ắp tư liệu và sự kiện lịch sử này, bạn đọc sẽ cảm nhận sâu sắc về nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam, nổi bật lên là tinh thần dũng cảm, bất khuất, trí thông minh và mưa mẹo tài tình của quân và dân ta trong suốt mấy cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.
Nguyễn Thìn
Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân; là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Ngày 22/12/1944, ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.Tính đến tháng 7 năm 2009, Quân đội nhân dân Việt Nam có 12 người được phong quân hàm Đại Tướng. Đại tướng là cấp quân hàm sĩ quan quân đội cao cấp nhất trong Quân đội Nhân dân Việt Nam với cấp hiệu 4 ngôi sao vàng. Theo quy định hiện hành, quân hàm Đại tướng quân đội Nhân dân Việt Nam do chủ tịch nước kiêm chủ tịch Quốc phòng và An ninh quốc gia ký quyết định phong cấp. Nhân dịp chào mừng 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu cuốn sách “12 vị Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam” do nhà xuất bản Đồng Nai phat hành. 12 vị Đại tướng đã cùng nhân dân làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc, từ thời giữ nước trước bọn thực dân đế quốc cho đến thời bình xây dựng đất nước.
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chức vụ cao nhất: Phó Thủ tướng thường trực; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chức vụ cao nhất trong ĐCSVN: Ủy viên Bộ Chính trị. Danh hiệu khác: Người anh cả của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Đại tướng đầu tiên của QĐNDVN, Huân chương Sao vàng.
2. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh” Chức vụ cao nhất: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.Chức vụ cao nhất trong ĐCSVN: Ủy viên Bộ Chính trị (1951 - 1967). Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng (truy tặng).
3. Đại tướng Văn Tiến Dũng - Chức vụ cao nhất: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1980 - 1987).Chức vụ cao nhất trong ĐCSVN: Ủy viên Bộ Chính trị khóa III, IV, V, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (1984 - 1986).Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng.
4. Đại tướng Hoàng Văn Thái - Chức vụ cao nhất: Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên (1945 - 1953), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Chức vụ cao nhất trong ĐCSVN: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương các khóa III, IV và V.Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng (truy tặng 2007). Đạo đức
5. Đại tướng Chu Huy Mân - Chức vụ cao nhất: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981 - 1986). Chức vụ cao nhất trong ĐCSVN: Ủy viên Bộ Chính trị (1976 - 1986). Danh hiệu khác: Đại tướng có tuổi Đảng cao nhất (vào Đảng năm 1930), Huân chương Sao vàng.
6. Đại tướng Lê Trọng Tấn - Chức vụ cao nhất: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng (1980 - 1986). Chức vụ cao nhất trong ĐCSVN: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương các khóa IV và V. Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng (truy tặng 2007).
7. Đại tướng Lê Đức Anh - Chức vụ cao nhất: Chủ tịch nước (1992 - 1997). Chức vụ cao nhất trong ĐCSVN: Ủy viên Bộ Chính trị (1982 - 1997). Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng.
8. Đại tướng Nguyễn Quyết - Chức vụ cao nhất: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Chức vụ cao nhất trong ĐCSVN: Bí thư Trung ương Đảng khóa VI. Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng.
9. Đại tướng Đoàn Khuê - Chức vụ cao nhất: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1991 - 1997). Chức vụ cao nhất trong ĐCSVN: Ủy viên Bộ Chính trị (1991 - 1997). Danh hiệu khác: Huân chương Sao vàng (truy tặng 2007).
10. Đại tướng Phạm Văn Trà - Chức vụ cao nhất: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1997 - 2006). Chức vụ cao nhất trong ĐCSVN: Ủy viên Bộ Chính trị (1997 - 2006). Danh hiệu khác: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
11. Đại tướng Lê Văn Dũng - Chức vụ cao nhất: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (2001 - 2011). Chức vụ cao nhất trong ĐCSVN: Bí thư Trung ương Đảng (2001 - 2011).
12. Đại tướng Phùng Quan Thanh - Chức vụ cao nhất: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2006). Chức vụ cao nhất trong ĐCSVN: Ủy viên Bộ Chính trị (2006). Chức danh khác: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong đó có 2 quân dân được đặc cách phong quân hàm Đại tướng không qua các cấp trung gian là Võ Nguyên Giáp (1948) và Nguyễn Chí Thanh (1959).Tập sách mang đến cho bạn đọc một cái nhìn tổng quát về chân dung các vị Đại tướng, ở phương diện cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng. Đồng thời tác phẩm đã tổng hợp những bài viết hay về các vị Đại tướng, qua đó chúng ta thấy được những tư tưởng, phẩm chất cao đẹp, những suy tư trăn trở xậy dựng cho cho đất nước ta.
Mai Hoa
06/12/2019
Dung Nguyễn
Tôi đã dự biết bao nhiêu tiết học lịch sử trong nhà trường, tai đã nghe bao nhiêu con số về sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, mắt đã được đọc bao nhiêu chiến công hiển hách vang dội của người lính cụ Hồ. Thế nhưng phải đến khi đọc cuốn tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” của nhà văn Chu Lai thì tất cả những gì khốc liệt về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, cùng với sự can trường của người chiến sĩ Quân dội nhân dân Việt nam mới hiện lên rõ mồn một, sinh động và in đậm dấu ấn trong đầu tôi đến thế.
Nhắc đến người lính thì thời nào cũng thế, cả trong chiến tranh hay trong thời bình người ta nghĩ ngay tới hình ảnh rắn rỏi mạnh mẽ, luôn trong tâm thế sẵn sàng để bảo vệ nền hòa bình của dân tộc. Đó chỉ là một khía cạnh của người lính thôi, nếu mọi người muốn biết mọi mặt về cuộc sống chiến đấu của nhân dân ta thời đó, thì xin hãy đến thư viện tỉnh Đồng nai để mượn cuốn “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai và tìm hiểu. Tác phẩm này đã khắc họa về người lính một cách rất chân thực, rất đời. Hình ảnh một người lính trước chiến tranh, trong chiến tranh và sau chiến tranh khác nhau như thế nào. Họ cũng như những con người bình thường khác có lý tưởng, có yêu thương giận hờn và có cả hận thù. Chiến tranh đã thay đổi tâm hồn và cuộc sống của họ ra sao đều được tác giả trình bày tỉ mỉ, nhẹ nhàng đôi lúc trần trụi khiến cho người đọc nhiều khi thấy rùng mình giống như mình đang đứng trước một cuộc chiến tranh tàn khốc vậy.
Cuốn tiểu thuyết kể về người cựu binh Hai Hùng, một chiến sĩ quân giải phóng vùng ven đô thành Sài Gòn từ thời Chiến tranh Việt Nam, trở về với cuộc sống đời thường trong hiện tại, nhưng luôn đau đáu về quá khứ nên đã quyết đi tìm lại mộ người yêu cũng là người đồng chí của mình để rồi biết được một sự thật cay đắng là cô chưa hề chết nhưng lại như đã chết vì sống dưới danh phận của một người hoàn toàn xa lạ Tư Lan. Trong quá trình tìm về quá khứ của hai Hùng nhà văn Chu Lai đã khéo léo đan xen những mảnh đời của những người lính sau chiến tranh trở về xây dựng cuộc sống mới.
Trong hòa bình, những người lính can trường trong chiến tranh phần lớn đã "về vườn, ăn theo, núp váy vợ. Đứa thì say xỉn tối ngày nằm trên võng nắng; đứa thì lụi hụi trồng tỉa ngoài bưng, mở mồm là càu cạu; đứa thì thở dài phìn phịt giữa một bên là bầy con nhem nhuốc, một bên là thạp gạo chỉ còn cám mùn đọng quẩn dưới đáy; thằng kia sống trụi thùi lụi một mình, hỏi nhà cửa vợ con đâu chỉ giơ cái chai đế lên cười xệch xẹo". Nhưng cũng có những người như Quân trước là cậu bé giao liên, nay là phó chủ tịch huyện, biết làm giàu cho quê hương và cho bản thân; hoặc như Tuấn, như Tám Tính đã hòa nhập tự nhiên với cuộc sống đời thường và không những thế còn vươn lên làm chủ cuộc sống mới. Tiêu biểu vẫn là nhân vật Hai Hùng như tác giả khắc họa là "không vợ không con, không cắc bạc dính túi nhưng có mảnh quá khứ đập phập phồng trong lồng ngực", với lý tưởng "Cuộc đời một thằng lính còn có gì khác hơn là khôn nguôi hướng về dĩ vãng và cầu mong cho dĩ vãng đó luôn trong lành chân thật". Người lính Hai Hùng dám quay lại quá khứ để đối diện với nó, nhưng Ba Sương cũng đã từng là một người lính rất can trường thế mà nay cô lại chối bỏ quá khứ, chối bỏ tình yêu, thỏa hiệp với cái ác để yên tâm sống một cuộc sống giàu có. Hai kẻ đi ngược chiều nhau, người chốn chạy kẻ thì tìm về, cuối cùng họ cũng gặp được nhau nhưng trong hoàn cảnh đau đớn là phải chứng kiến cái chết thật sự của Ba Sương.
16 chương của cuốn tiểu thuyết luôn làm cho độc giả tò mò, hồi hộp về những diến tiến tiếp theo của cuộc chiến cũng như số phận của người lính. Các bác cựu chiến binh khi đọc tác phẩm này chắc chắn lại thấy những hình bóng quen thuộc trong đó. Những chi tiết như là khi đói quá họ phải ăn trộm hộp sữa trong bồng của đồng đội ăn, hay như cái ông Tám Tính đi vồ con gái người ta để thỏa mãn nhục dục đang lên đến mức cuồng tính, hay để cướp cò B41 làm chết người bạn đồng chí, đồng hương của mình... Họ hết sức bình thường, bình dị giản đơn, những con người chứa đựng cả hai mặt ưu và khuyết điểm. Chỉ những người trong cuộc, từng sống chung và trải qua mới kể lại một cách rành rọt chi tiết, tỉ mỉ và y như thật như thế. Tác giả cho độc giả thấy trong chiến tranh có đầy đủ các kiểu người từ can trường như Hai Hùng đến ông phó bí thư quận ủy Ba Tiến bỏ bạn bè, đồng đội mà chạy chốn khi bị địch đánh úp, hay số phận sóng gió của Hai Hợi, dục vọng bản năng của Tám Tính, cái chết thương tâm của Bảo của Viên bị “mìn Clâymo hất văng vào bụi chuối cách đó ba mét, mình mẩy nát tươm và không còn thở nữa”. Hai Hùng nghĩ trong chua xót “Chiến tranh nó là cái gì nếu không phải ngày nào cũng nhìn thấy người chết, ngày nào cũng chôn người chết mà vẫn chưa đến lượt mình”. Thế nhưng vượt lên trên tất cả mọi khó khăn gian khổ. Họ những người không hoàn hảo như thiên thần, những con người vì quê hương bán mạng bám lấy từng mảnh rừng, quyết giữ gìn hòa bình tự do cho quê hương cho đất nước, cho những người thân yêu của mình không phải sống trong tủi nhục nữa.
Họ không huênh hoang chiến công này, chiến tích nọ, họ luôn im lặng để mặc cho năm tháng chiến tranh, năm tháng mà họ phải chiến đấu gian khổ cực nhọc bào mòn đi tuổi trẻ và hạnh phúc của họ, để lại trên thân thể họ những vết thương đau âm ỉ. Mặc kệ luôn cả những thói đời đang từng ngày làm tổn thương họ thêm lần thứ hai, lần này là về mặt tinh thần, những sự thật méo mó, giả dối tràn ngập giữa dòng đời đang chảy dữ dội, gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng dần làm hao mòn đi thể chất của những con người từng vạm vỡ. Nhưng với bản tính can trường đặc trưng của người chiến sĩ quân đội nhân dân họ đã từng ngày sống và phân đấu để cho cuộc sống của mình của gia đình ngày càng hạnh phúc và có ý nghĩa hơn.
Truyện kết thúc ở một nhận định và một câu hỏi khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi: “Cuộc chiến tranh vừa qua có thể là trò đùa nhưng sự mất mát lại là có thật. Cuộc đời hôm nay có thể chỉ là tấn tuồng nhưng nỗi buồn không bao giờ là một màn kịch cả. Phải vậy không em?”. Những ai chưa từng một lần đau xót khi đứng trước một người lính nay đã mất đi đôi chân hay chiếc tay của mình. Hay đã tỏ ra coi thường một cựu chiến binh sống trong nghèo khổ thì xin hãy tự vấn lương tâm mình, và xin hãy cầm ngay cuốn “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai nên mà đọc để gặm nhấm những nỗi đau mà họ - những người đã dùng cả mạng sống của mình để đổi lấy cuộc sống yên bình cho bạn ngày hôm nay.
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với con số hơn hàng chục vạn người đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc. Chiến tranh đã qua đi, nhưng một quá khứ oanh liệt oai hùng vẫn còn đó. Lịch sử của những cuộc chiến đấu, chúng ta không thể nào quên được. Vẫn còn đây dòng máu của một dân tộc anh hùng. Nói đến chiến tranh, chúng ta nói đến biết bao thế hệ con người ở đó, nói đến lòng quả cảm, nói đến ý chí kiên cường bất khuất. Vì lòng yêu nước, chí căm thù giặc, khiến họ không tiếc xương máu, tuổi xuân của mình. Máu của họ đã nhuộm đỏ từng mảnh đất quê hương. Có người đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, có khi còn đang ở độ tuổi măng non.
Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/5019) Thư viện Đồng Nai xin giới thiệu tới quý bạn đọc tập sách “ 100+ gương mặt Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam” do nhà xất bản Thanh Niên phát hành năm 2014. Với 391 trang, cuốn sách giới thiệu tới bạn đọc hơn 100 gương mặt anh hùng xuất sắc trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Biết bao tấm gương anh hùng, bất khuất đã trở thành tượng đài bất tử cho lòng quả cảm, quật cường của dân tộc Việt Nam như:
Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, Bế Văn Đàn Nhập ngũ từ tháng 1 năm 1948 anh tham gia nhiều chiến dịch, luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, tích cực vượt qua mọi khó khăn ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong trận Mường Pồn (Lai Châu) tháng 12/1953, trong tình thế hiểm nghèo khi bị địch phản công, Bế Văn Đàn đã lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội bắn, đẩy lùi kẻ thù. Anh đã anh dũng hy sinh khi hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ Khi kéo pháo ra khỏi trận địa Điện Biên Phủ đầu năm 1954, nửa chừng dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, Tô Vĩnh Diện đã buông tay lái xông lên phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh pháo, nhờ đó đơn vị kịp ghìm giữ pháo dừng lại. Anh đã anh dũng hi sinh sau hành động dũng cảm phi thường này. Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai mở đường cho đơn vị tiến lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam, giành toàn thắng cho trận đánh mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Võ Thị Sáu nữ đội viên công an xung phong hy sinh ở tuổi 16 ...
Trong khánh chiến chống mỹ, càng cảm phục tấm gương quả cảm của bác sĩ Ðặng Thùy Trâm. Chị không ngại hiểm nguy, khó khăn, bằng tấm lòng của người thầy thuốc và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã chữa được nhiều ca bệnh hiểm nghèo, cứu sống nhiều thương binh, bệnh binh, giúp họ nhanh chóng phục hồi sức khỏe trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Những cuộc chiến giành lại sự sống cho các thương bệnh binh, hay cuộc chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, càng làm sáng ngời ý chí của người chiến sĩ - bác sĩ vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn như vậy, chị vẫn thể hiện một tấm lòng cao đẹp, giản dị. Cuộc đời nữ bác sĩ - chiến sĩ Ðặng Thùy Trâm tràn đầy khí chất anh hùng ca, nhưng cũng đầy chất lãng mạn, tình đồng chí, đồng đội. Chị là một điển hình tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam; một thầy thuốc trẻ mẫu mực, biết cống hiến hết mình cho dân, cho nước... Bên cạnh những người anh hùng đã ngã xuống, những người đang sống mà tên tuổi của họ một thời cũng gắn liền với bao chiến tích lừng lẫy, góp phần làm nên những trang sử vẻ vang về đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đó là: Nguyễn Thị chiên - nữ anh hùng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, Tạ Quốc Luật, Bùi Quang Thận, Phạm Tuân, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Huy Hiệu,.., Được Đảng, Nhà nước ghi nhận những công lao to lớn, phong tặng và truy tặng họ danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Qua đó, chúng ta thấy rõ được những hành động anh hùng quả cảm, những chiến công vang dội của họ trong chiến đấu. Đó cũng nhằm ôn lại quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ tương lai của đất nước hôm nay và mai sau.
Mai Hoa
29/11/2019
Ngày 22/12 không chỉ là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”. Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...”
Để kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, chúng tôi xin gửi đến quý bạn đọc chùm 3 tác phẩm về Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
1.Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam; người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và dân tộc Việt Nam một “di sản tư tưởng, lý luận vô cùng to lớn và quý giá”; trong đó, tư tưởng của Người về quân sự, quốc phòng là cơ sở nền tảng để xây dựng đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng trong thời kỳ mới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, là người chỉ huy quân đội làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và làm nên đại thắng Mùa Xuân 1975 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng” xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc, nội dung tài liệu sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân Việt Nam qua một số bài nói - bài viết của Người và Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân Việt Nam qua một số công trình nghiên cứu, hồi ức của các tướng lĩnh, cán bộ chiến sĩ được trình bày súc tích ở 2 phần đầu; 2 phần cuối tác phẩm nói về Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với Quân đội nhân dân Việt Nam qua một số bài nói - bài viết của ông và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Quân đội nhân Việt Nam qua một số công trình nghiên cứu, hồi ức của các tướng lĩnh, cán bộ chiến sĩ.
Tài liệu được thiết kế và trình bày hiện đại, đẹp mắt với nội dung tiêu biểu chính xác cả về nội dung, bối cảnh, thời gian, không chỉ hướng đến giá trị thống kê, cung cấp tư liệu đầy đủ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quân sự, quốc phòng, về quân đội nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng, tài liệu còn là công trình chung của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội, được lựa chọn công phu, đề cập toàn diện, có giá trị khoa học và ý nghĩa sử dụng thiết thực cho nhiều đối tượng. Đặc biệt, sách giúp nhiều cho các chiến sĩ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, sinh viên các trường, khoa về khoa học xã hội và nhân văn, trong và ngoài quân đội tham khảo và nghiên cứu.
2. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Qua khói lửa chiến tranh cũng như trong hòa bình các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã xây đắp nên những truyền thống quý báu – truyền thống Bộ đội cụ Hồ, đó là: Trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Truyền thống vẻ vang ấy đã và đang được lớp lớp cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ giữ gìn, bảo vệ và phát huy lên tầm cao mới.
Để ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang, những chiến công oanh liệt của quân đội ta, qua đó, khơi dậy niềm tự hào, nâng cao lòng yêu nước, ý chí quật cường, ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Chúng tôi xin mời các bạn hãy đến với tác phẩm “Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam 1944 - 1975”, sách gồm 814 trang do nhà xuất bản Quân đội nhân phát hành.
Đến với phần 1 của tác phẩm chúng ta được giới thiệu về thời kỳ hình thành của các lực lượng vũ trang cách mạng từ 1930 đến 1945. Phần này gồm 3 chương nêu những quan điểm quân sự đầu tiên của Đảng, Đội Tự vệ công nông – mầm mống của lực lượng vũ trang cách mạng 1930-1939, các căn cứ du kích, các đội quân đầu tiên chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang, cao trào chống Nhật cứu nước, Lực lượng vũ trang Cách mạng tháng Tám 1945.
Phần 2 giới thiệu đến quý bạn đọc thời kỳ trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thức dân Pháp và can thiệp Mỹ từ 1945 đến 1954, năm chương được trình bày khái quát nhưng rõ nét về Lực lượng vũ trang cách mạng trong những năm đầu của chính quyền nhân dân, kháng chiến toàn quốc, Vệ quốc quân cùng toàn dân đánh bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp đến cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân, chiến dịch Điện Biên Phủ đến kết thúc thắng lợi kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1954.
Phần 3 gồm 6 chương trình bày về thời kỳ trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975. Quân đội Việt Nam ngày càng tiến lên chính quy, hiện đại, phát triển bộ đội ở miền Nam, đánh bại “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và cuối cùng là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sách trình bày chi tiết và có nhiều hình ảnh minh họa ở cuối mỗi chương sách giúp bạn đọc dễ theo dõi và tăng thêm phần sinh động. Đây là tài liệu tuyên truyền rất quan trọng, có giá trị thực tiễn to lớn, góp phần giáo dục lòng tự hào dân tộc, củng cố tinh thần đoàn kết của nhân dân ta, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hăng hái tiến lên vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
3. 75 năm dần qua đi, nhưng khi đọc những trang nhật ký “Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam qua những trang hồi ức” do nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành, bạn đọc sẽ cảm nhận được hơi thở nóng hổi của chiến trường viết cách đây mấy chục năm, thế hệ những người làm nên lịch sử năm nào như gặp lại chính mình những năm tháng gian lao đã sống, chiến đấu xả thân vì Tổ quốc của những người anh hùng thầm lặng.
Trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, sức mạnh Việt Nam là sức mạnh của truyền thống yêu nước, bất khuất, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Từ trong lửa đạn chiến tranh của những hồi ức trong tác phẩm, đã xuất hiện nhiều tướng lĩnh tài giỏi góp phần làm nên những chiến thắng: Phai Khắt - Nà Ngần, Việt Bắc, Biên Giới, Hòa Bình, Điện Biên Phủ ... trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Bình Giã, Ba Gia, Plây Me, Đường 9 - Khe Sanh, Tết Mậu Thân, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị, trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, Hải Phòng, Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống mỹ.
Trong quyển hồi ký, mỗi trang hồi ức của các tướng lĩnh là thiên tiểu thuyết về cuộc đời một con người, đã phải trải qua biết bao các cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ chống quân xâm lược, phải chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ, biết bao chiến công hiển hách của quân và dân cả nước đã đi vào huyền thoại gắn với những tên đất, tên người. Vai trò của những người chỉ huy, tướng lĩnh với sự quyết đoán, mưu lược trong những trận đánh, những chiến dịch có tính chất quyết định làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo ra sự đột biến về chiến lược tiến tới toàn thắng cho cách mạng. Và, mỗi hồi ức ấy cũng là một phần lịch sử có ý nghĩa với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Chủ nhân của những trang hồi ức được trích dẫn trong tác phẩm này là những vị chỉ huy dũng cảm, sáng tạo, mưu lược và quyết đoán. Đó là các Ðại tướng Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Quyết, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái…; các Thượng tướng Trần Văn Trà, Song Hào, Hoàng Minh Thảo, Ðặng Vũ Hiệp…; các Trung tướng Ðồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ðệ; các Thiếu tướng Nguyễn Thị Ðịnh, Võ Bẩm…. Thông qua những hồi ức, bạn đọc sẽ còn hiểu rõ thêm về thân thế, sự nghiệp cũng như tâm tư, tình cảm chân thật và sống động của các tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ôn lại lịch sử của dân tộc thông qua những tác phẩm được giới thiệu, chúng ta càng thêm tự hào dân tộc, tự hào về một quá khứ hào hùng mà ông cha ta đã đổ bao xương máu mới giành lại được, đem tự do hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam. Vì thế mỗi người trẻ tuổi chúng ta hãy tưởng nhớ về những chiến sĩ cách mạng đã hi sinh quên mình xả thân vì nước, tôn vinh ngày truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, ra sức phấn đấu học tập, trở thành một người con ưu tú góp phần giữ gìn đất nước trong thời bình và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Phan Hương
15/08/2019
“Sáng ngời chất ngọc anh hùng” là một trong những bộ sách được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương biên soạn nhân Kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai vào năm 2018.
Nhằm phổ biến rộng rãi bộ sách quý đến đông đảo các tầng lớp nhân dân về những tấm gương Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động tỉnh Đồng Nai trong kháng chiến và trong thời bình, để khơi gợi lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích động viên trong nhân dân có những sáng kiến, phát minh hay, thiết thực, những hành động, việc làm cụ thể để có thể áp dụng rộng rãi trong lao động và học tập, và hơn nữa là vận động ngày càng nhiều hơn nữa những tấm lòng thiện nguyện, nhằm tiếp tục tri ân, chăm sóc các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống… Thư viện tỉnh Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bộ sách quý Sáng ngời chất ngọc anh hùng do Nhà Xuất bản Đồng Nai phát hành.

Bộ sách bao gồm 3 tập, 4 cuốn tổng hợp đầy đủ danh sách các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các tập thể, cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động tỉnh Đồng Nai từ những năm trao thưởng đầu tiên đến nay (cuối năm 2018). Để tìm hiểu kỹ hơn về tài liệu này, chúng ta hãy cùng đi sâu vào từng tập của bộ sách này nhé.
Tập I của bộ sách có tên Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân tỉnh Đồng Nai, tập sách do Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới và nhà báo Nguyễn Thị Thùy Trang cùng nhiều cộng tác viên biên soạn, biên tập. Tập tài liệu có dung lượng 695 trang, viết về 56 tập thể và 31 cá nhân đã được Nhà nước truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân qua các đợt. Các cá nhân và tập thể anh hùng đều có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong chiến đấu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có đạo đức, phẩm chất cách mạng, nội bộ đoàn kết tốt; tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Phẩm chất anh hùng của cá nhân và tập thể đã được ươm mầm, nở hoa, tỏa sáng trong kháng chiến chống ngoại xâm của Đảng bộ và quân dân Đồng Nai anh hùng. Tập sách là nguồn tư liệu quý giá, tổng hợp và tôn vinh những Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân của tỉnh Đồng Nai qua các thời kỳ, góp phần bổ sung thêm giá trị truyền thống cách mạng tốt đẹp cho quê hương Đồng Nai.
Lật dở từng trang sách, chúng ta sẽ bắt gặp đầu tiên là các tập thể Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Các tập thể này xuất hiện ở khắp các mặt trận từ Trung ương, địa phương, bộ đội, du kích, đặc công, trinh sát, quân y, dân y, tình báo, giao thông, thông tin liên lạc, tù chính trị. Đi sâu vào tiểu sử của từng đơn vị, ta nhận thấy tuy có những đơn vị hiện đã không còn phiên hiệu trong tổ chức nhưng thành tích anh hùng vẫn là sức mạnh tinh thần trong đời sống như: Chi đội 10 Chiến khu Đ, Đại đội Lam Sơn, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 Đặc công U1, Đội Trinh sát Vũ trang Long Khánh và các đội du kích địa phương trong kháng chiến… Có đơn vị đặc biệt toàn nữ như Đội cối Xuân Lộc, còn gọi là Đội nữ pháo binh huyện Xuân Lộc. Có tập thể được phong tặng đủ các danh hiệu cao quý của Nhà nước: Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh). Đối với các cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang cũng vậy, có rất nhiều anh hùng liệt sĩ, có những liệt sĩ chưa qua tuổi 20 (Hồ Thị Hương, Lê A), có liệt sĩ anh hùng là người thuộc dân tộc ít người (Điểu Cải), có anh hùng là tình báo lỗi lạc (Trần Văn Trung), có những anh hùng là chiến sĩ đặc công lừng danh (Nguyễn Tấn Vàng, Bùi Văn Hòa, Lê Bá Ước)… Mỗi người là một bông hoa có hương sắc riêng trong vườn hoa anh hùng lung linh nhiều màu sắc.
Khác với Tập 1, Tập II của bộ sách Sáng ngời chất ngọc anh hùng sẽ giúp bạn đọc đi vào tìm hiểu những anh hùng trên mặt trận lao động. Cuốn sách có tên gọi Anh hùng Lao động tỉnh Đồng Nai do Huỳnh Văn Tới và nhà báo Nguyễn Tôn Hoàn (Tổng biên tập Báo Đồng Nai) biên soạn với sự cộng tác của các phóng viên Báo Lao động Đồng Nai. Tuy có dung lượng chỉ bằng 1/3 số trang của Tập 1, nhưng với 200 trang chính văn và một số hình ảnh tư liệu, cuốn sách đã tập hợp và tôn vinh 18 tập thể và 6 cá nhân ở Đồng Nai đã đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.
Qua các đợt phong tặng của Nhà nước, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 21 tập thể và 05 cá nhân được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Các tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động thuộc nhiều thành phần: doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài quốc doanh; công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giáo dục, y tế và các địa phương… Tất thảy đều có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.
Đi sâu vào nội dung cuốn sách, bạn đọc sẽ được cung cấp nhiều thông tin chi tiết về những tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đối với các tập thể, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Trường Phổ thông Trung học Tân Phú, Công ty Cổ phần Chăn nuôi heo Phú Sơn, Công ty Đường Biên Hòa, Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (chi nhánh Đồng Nai) là những đơn vị được phong tặng sớm nhất vào năm 2000… và gần đây nhất là đơn vị thị xã Long Khánh (năm 2016). Mỗi tập thể đều có bề dày thành tích xuất sắc, liên tục được nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương, Huy chương của Chủ tịch nước…
Về cá nhân, người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động sớm nhất là ông Nguyễn Phong Lưu – Ban Xây dựng 67, Bộ Giao thông Vận tải (năm 1972), gần đây nhất là ông Lê Văn Kiểm – Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Golf Long Thành (năm 2008). Trong số cá nhân Anh hùng Lao động, đáng chú ý là nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngời – một công nhân cạo mủ cao su ở nông trường Hàng Gòn đạt danh hiệu Anh hùng Bàn tay vàng và tấm lòng vàng đối với ngành cao su truyền thống (năm 1985).
Đồng tác giả với Tập 1 của bộ sách, Tập 3 của bộ sách được Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới và nhà báo Hà Thị Thanh Thúy (Biên tập viên Báo Đồng Nai) cùng 20 cộng tác viên biên soạn, biên tập. Có tổng cộng 1.700 trang, Tập 3 của bộ sách bao gồm 2 cuốn: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Đồng Nai (Phần 1) và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Đồng Nai (Phần 2), sách được thiết kế trên trang giấy khổ vừa, bìa cứng dày, nội dung chính được in đậm màu vàng trên nền xanh nước biển rất nổi bật và đẹp mắt.
Đến với Tập III của bộ sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Đồng Nai, bạn đọc có thể nhận thấy được sự kỳ công của ban biên tập, tập sách thực hiện gian nan nhất so với hai tập sách trên, bởi nội dung trình bày các số liệu, tư liệu thu thập được về 1.118 bà mẹ được Chủ tịch nước quyết định tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng qua các đợt của 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong thực tế, mỗi bà mẹ có hoàn cảnh khác nhau, song đều giống nhau ở phẩm chất anh hùng: Thương chồng, thương con, hy sinh, kiên trì, bao dung; vừa đóng góp tâm sức cho cách mạng; vừa sinh thành, nuôi dưỡng, cống hiến chiến sĩ ưu tú cho đất nước, chịu đựng mất mát, đau thương do chồng, con hy sinh trong kháng chiến. Có bà mẹ cả mẹ và con đều là bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có mẹ, chồng, con đều là liệt sĩ, bản thân mẹ cũng là liệt sĩ. Hơn nữa, có mẹ hy sinh bản thân mình để bảo vệ cán bộ cách mạng, khi cải táng vẫn còn đầu đạn M79 trong phần ngực hài cốt. Thậm chí, chỉ trong thời gian 4 tháng mà có mẹ phải 4 lần khóc vì những đứa con của mình dứt ruột sinh ra phải hy sinh…
Trải dài suốt 1.700 trang giấy, là tên tuổi và chiến công của 1.118 mẹ Việt Nam Anh hùng được trình bày theo đơn vị hành chính, thuận tiện hơn nữa là phần sau của sách có thêm Danh sách Tra cứu các mẹ Việt Nam Anh hùng theo chữ cái Alpha B để bạn đọc dễ tìm kiếm. Đi sâu tìm hiểu về gia cảnh, thân thế và phẩm chất anh hùng cách mạng của từng mẹ, thì chắc chắn rằng bạn đọc không thể không xót xa trước những cống hiến và sự hy sinh của các mẹ, nhưng rất đỗi tự hào về các mẹ, các mẹ thật vĩ đại. Vì độc lập tự do và hòa bình của quê hương đất nước, các mẹ đã động viên chồng, con tham gia cách mạng, thậm chí nuốt nước mắt vào trong khi nhận tin chồng và các con đã anh dũng hy sinh. Thầm nghĩ, có nỗi đau nào hơn khi chính mình chứng kiến cảnh chồng, con mình bị giặc bắt, giết và tù đày, thế nhưng các mẹ đã vượt qua được nỗi đau đó, tiếp tục động viên các con còn lại tiếp tục chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước và trả thù cho cha anh của mình… Thật vĩ đại biết bao, khi đất nước có các mẹ, các mẹ đã làm rạng rỡ quê hương Đồng Nai nói riêng, non sông Việt Nam nói chung, góp thêm công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước, tô thêm vào trang vàng truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc…
Có thể nói bộ sách “Sáng ngời chất ngọc anh hùng” thực sự là một hệ thống tài liệu quý giá cho việc lưu truyền, nghiên cứu, giáo dục truyền thống về phẩm chất anh hùng cách mạng của các mẹ, của những tập thể, cá nhân anh hùng cần được phát huy trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Không chỉ bởi chiến tranh đã làm nên tên tuổi của họ mà cả trong thời bình, tấm gương của những anh hùng ấy luôn ngời sáng, họ luôn sống và lao động vì lý tưởng cách mạng sẵn sàng chiến đấu và hy sinh khi Tổ quốc cần, thật tự hào biết mấy khi Tổ quốc ta có những người con anh hùng như họ.
Với nội dung được trình bày rõ ràng, trình tự, khoa học và tin cậy, chắc chắn bộ sách “Sáng ngời chất ngọc anh hùng” sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích và giá trị đối với đông đảo bạn đọc gần xa, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, học tập và tham khảo của các tầng lớp nhân dân, nhất là trong Hội thi tìm hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử tỉnh Đồng Nai năm 2019.
Trân trọng kính mời quý bạn đọc tìm hiểu và nghiên cứu về bộ sách quý này./.
Đinh Nhài
08/08/2019
Với lịch sử hình thành trên 320 năm, nhân dân Đồng Nai có truyền thống yêu nước và đấu tranh kiên cường, đặc biệt từ khi thực dân Pháp xâm lược và đế quốc Mỹ, chính quyền tay sai miền Nam thực hiện chế độ thực dân mới. Cuộc đấu tranh chống xâm lược giành độc lập dân tộc của quân dân Biên Hòa – Đồng Nai diễn ra liên tục trên nhiều địa điểm, thì nơi đây đã để lại biết bao sự kiện lịch sử, di tích lịch sử - văn hóa lâu, đời góp phần hình thành nên truyền thống “miền Đồng gian lao mà anh dũng”
Nếu ai đã từng đặt chân đến Đồng Nai thì chắc hẳn không khỏi trầm trồ khen ngợi về những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử văn hóa trên mảnh đất có nền văn minh cổ xưa này. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh luôn được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, lâu dài và liên tục. Di tích lịch sử nói chung, di tích lịch sử cách mạng nói riêng được xem là loại hình di tích đặc biệt quan trọng, là bằng chứng hùng hồn về chặng đường đấu tranh vẻ vang của dân tộc, sự hi sinh to lớn của bao chiến sĩ đồng bào, sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng, Bác Hồ và quân đội ta.
Để hưởng ứng Hội thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử Đồng Nai năm 2019, tôi xin giới thiệu đến bạn đọc gần, xa tác phẩm:“Đồng Nai di tích lịch sử văn hóa” của nhà xuất bản Đồng Nai, do Thạc sĩ Trần Quang Toại chủ biên.
Hãy cùng tôi ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của các thế hệ cha ông, tìm hiểu rõ hơn về những giá trị của di tích thông qua 302 trang sách được trình bày trong hai phần, tập hợp những bài viết cùng những hình ảnh trực quan sinh động giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng có trong phần một và một số các di tích tiêu biểu được trình bày ở phần hai của cuốn sách.
Thông qua tác phẩm, chúng ta sẽ được tìm hiểu các di dích đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Mộ cự thạch Hàng Gòn (1982), cụm di tích chiến thắng La Ngà (1986), Nhà Xanh (1986), Chùa Long Thiền (1991), Nhà hội Bình Trước (1991), Quảng trường Sông Phố (1991), Đền thờ Nguyễn Tri Phương (1992), Nhà lao Tân Hiệp (1994), Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa quân (1994), Căn cứ Khu uỷ miền Đông Nam Bộ (1997), Mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự (1998), Địa đạo Suối Linh (1999), Địa đạo Nhơn Trạch (2001)… Và một số di tích tiểu biểu khác Cù Lao Phố, Núi Chứa Chan…
Di sản văn hóa là tài sản vô giá của một dân tộc gắn liền với nền văn hóa của nhân loại. Việc giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hóa là trách nhiệm của cộng đồng, thể hiện lòng tri ân tiền nhân “uống nước nhớ nguồn”. Hệ thống di tích lịch sử nói chung, di tích lịch sử cách mạng ở Đồng Nai nói riêng những năm qua đã nhận được sự quan tâm, đầu tư hiệu quả, kịp thời của Bộ VHTTDL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai. Hầu hết các di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia và cấp tỉnh đã được trùng tu, tôn tạo, quản lý và khai thác theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.
Yên Yên
|
|
|
|
|